Tin tức - Sự kiện

Tin PETROSETCO

Củ Chi – Ngày về nguồn tràn đầy cảm xúc

21/08/2013 12:00:00 AM
Cứ mỗi độ thu về , mỗi người chúng ta lại được sống lại khí thế hào hùng về lịch sử đấu tranh của dân tộc. Chiến tranh đã qua đi lâu nhưng từ trong sâu thẳm tâm thức mỗi con người đều muốn về thăm lại các di tích lịch sử nổi tiếng để cảm nhận sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn và đầy đủ hơn những gian khổ kiên cường của dân tộc Việt Nam. Ngày 17/8/2013 Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí ( PETROSETCO) đã tổ chức chương trình Về nguồn tại Củ Chi.
Trải qua hơn 75km Đoàn chúng tôi đến với Củ Chi – mảnh đất được mệnh danh “Đất thép, thành đồng”, đặt chân lên mảnh đất linh thiêng lòng chúng tôi bỗng lắng lại. 9h sáng, đoàn có mặt tại Đền Bến Dược để làm lễ dâng hương. Dẫn đầu đoàn là ông Vũ Xuân Lũng – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty và ông Phùng Tuấn Hà – Tổng giám đốc Tổng công ty, cùng với gần 40 thành viên là CBNV của Tổng công ty và các đơn vị. Tại đây, đoàn đã được nghe thuyết minh về những chiến công hiển hách của ông cha ta thời kháng chiến và thấy xúc động khi được chạm tay vào những tấm bia khắc tên của từng chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do nước nhà.
Tiếp theo, đoàn chúng tôi ghé thăm quan Khu tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi. Giữa cái nắng khô rát của tháng 8, chúng tôi hiểu rõ hơn cuộc sống của dân ta ngày xưa với những hình ảnh của vùng ấp chiến lược, đồn bót của địch, vùng tranh chấp giữa ta và địch...vào thời kỳ 1960 - 1964 của làng quê Củ Chi; hình ảnh sinh hoạt của quân và dân Củ Chi vào những năm 1964-1965, cảnh xây dựng chiến hào, tái hiện vùng giải phóng thời kỳ 1966-1973. Đoàn chúng tôi cũng được theo dõi về trận đánh Cedaphone  lịch sử năm 1967 – trận đánh với mục tiêu hủy diệt toàn bộ căn cứ cách mạng dân ta của Mỹ - nhưng chúng đã thất bại thảm hại trước ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân Củ Chi….Khi đó quang cảnh trên mặt đất đã bị hủy diệt hoang tàn, cuộc sống sinh hoạt được chuyển xuống lòng đất....
Chúng tôi cũng được cảm nhận cuộc sống dưới lòng đất của dân ta thời kháng chiến với một đoạn đường hầm chỉ dài khoảng 15m, nhưng khi đã lên mặt đất, ai cũng phải thốt lên “Tại sao chúng ta lại có thể làm được một điều phi thường như vậy ? đi lại đã khó, huống gì là sống, sinh hoạt và chiến đấu dưới lòng đất ?”. Vậy mà trong chiến tranh tất cả đều được sắp đặt dưới tổng số 250 km đường hầm chạy ngoắt ngéo trong lòng đất Củ Chi được đào bằng dụng cụ thô sơ. Trải nghiệm tận nơi chúng ta càng hiểu rõ hơn lòng căm thù giặc đã tạo nên sự bền bỉ của nghị lực, ý chí kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của nhân dân ta. 
Củ chi ngày ấy là thế, một trận địa hay nói chính xác hơn là một chiếc bẫy được mở ra để đánh sập bất cứ kẻ thù nào đang tâm cướp đất nước ta. Còn với Củ Chi ngày hôm nay, khi lịch sử được tái hiện ngay trên mảnh đất đã làm nên lịch sử, thì đó lại là bản hùng ca muôn đời và bất diệt.
Rời địa đạo Củ Chi, chúng tôi lên đường thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng tại xã An Nhơn Tây. Nhìn những đôi mắt đã không còn nhìn rõ vì tuổi già, nhìn những cánh tay gầy guộc của các mẹ mà chúng tôi xót xa. Đi đến nhà, các mẹ ai cũng hỏi chúng tôi từ đâu đến, đã ăn uống gì chưa, có mệt không ???…khiến chúng tôi cảm thấy cũng ấm lòng. Toàn huyện Củ Chi chỉ còn 34 bà mẹ Việt Nam anh hùng, tuổi các mẹ đều đã cao, nhưng thật may mắn các mẹ còn có những người con chăm sóc, các nhà hảo tâm giúp đỡ xây nhà tình thương, cùng với những chính sách của Nhà nước và sự quan tâm của Huyện, các mẹ cũng phần nào được an ủi tuổi già. Chúng tôi ra về mà những câu chuyện các mẹ kể, nước mắt và nụ cười của các mẹ làm chúng tôi cứ mãi bồi hồi.
Lần đi Củ Chi này, chúng tôi tiếp tục quay trở lại Mái ấm Thiện Duyên. Cảm giác thật bình yên khi được ngồi nghe cô Trần Thị Cẩm Giang, mà ai cũng quen gọi bằng cái tên thân thương là “má Mười” kể chuyện về việc chăm sóc các em. Cách đây 20 năm, má Mười đã nhận nuôi một em khuyết tật, để rồi như cái duyên ngày càng có nhiều em nhỏ tìm đến má. Má đã quyết định bán đi ngôi nhà ở quận Tân Bình và về Củ Chi xây dựng lên Mái ấm Thiện Duyên. Mái ấm hiện đang nuôi dưỡng gần 130 em, phần lớn là trẻ mồ côi, khuyết tật. Mỗi em đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết khi đến đây, các em còn chưa có cái tên. Có em thì bị gia đình bỏ rơi khi biết bị thần kinh, có em thì bị bỏ trước cửa nhà, có em thì má Mười mang về cưu mang.
Dù đã từng đến đây nhiều lần nhưng lần nào chúng tôi cũng cảm thấy đau nhói khi đứng lặng nhìn các bé bị thần kinh, bại não. Chính những tàn tích của chiến tranh đã để lại cho các em, những mảnh đời bất hạnh chỉ biết chợt khóc, chợt cười một cách “vô cảm” trên chiếc giường của mình. Nuôi 1 đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền càng khó hơn, Trong mái ấm có tới 73 em là trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam, phần lớn là bại não, phải nằm 1 chỗ đi lại rất khó khăn. Các em không tự làm chủ được cuộc sống như hành vi của mình,mỗi em một tật khác nhau. Để nuôi và chăm sóc cho các em ăn học cần 1 khoảng chi phí rất lớn đó là chưa kể tiền đưa các em đi bệnh viên mỗi khi bệnh nặng. Ngoài việc cưu mang những đứa trẻ khuyết tật, má Mười còn cưu mang những người già neo đơn và những em mồ côi bất hạnh. Các em đều rất chăm học chỉ với một mong muốn sẽ có ngày thành đạt và quay trở về phụ giúp mái ấm, cùng má Mười lo cho các em khác…..May mắn thay mái ấm lúc nào cũng ngập tràn niềm vui của những tấm lòng hảo tâm đến với mái ấm, mang theo cả những món quà về vật chất và tinh thần cho các em …đúng là “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Nhân dịp này, Tổng công ty cũng đã trao nhiều phần quà bằng hiện vật và bằng tiền cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các em nhỏ ở mái ấm Thiện Duyên.
Kết thúc chuyến hành trình Về nguồn, trong chúng tôi vẫn còn đọng mãi cảm giác bâng khuâng đến nao lòng bởi những suy tư về một vùng đất với những con người bình dị mà thần thánh của những năm tháng không thể nào quên. Chúng tôi vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng trống trong đền Bến Dược. Chúng tôi vẫn còn như thấy ánh mắt và nụ cười của mẹ Việt Nam anh hùng và các em nhỏ trong mái ấm. Tất cả như một lời nhắc nhở chúng tôi, Tổng công ty PETROSETCO, không chỉ hết mình vì công việc kinh doanh, mà chúng tôi còn phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Minh Nguyệt
 
Chia sẻ:    

Tin tức khác