Tin tức - Sự kiện

Tin PETROSETCO

“Sếp” Phùng Tuấn Hà: “Doanh nghiệp cần trở thành ngôi nhà thứ hai, ngôi nhà lớn cho mỗi người lao động”

05/09/2019 09:02:11 AM

“Cơ hội cho ai - Whose Chance” là chương trình truyền hình thực tế về việc làm, giúp các ứng viên, người lao động tìm được vị trí công việc phù hợp, phát huy được khả năng của bản thân. Trong mỗi tập phát sóng, 6 vị sếp - là những lãnh đạo của những doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu đang có nhu cầu tìm để tuyển dụng nhân sự  sẽ mang đến cơ hội việc làm cho mọi người, chiêu mộ nhân tài đang tìm cơ hội để phát triển sự nghiệp. Thông qua đó, chương trình được xem là cầu nối giữa các sếp cấp cao của các Tập Đoàn, Doanh nghiệp lớn tại VN với ứng viên, góp phần giải quyết câu chuyện việc làm đáng quan tâm hiện nay.

 

 

Chương trình do ALO Media phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam VTV tổ chức sản xuất, với format hoàn toàn mới lạ nhằm mang lại cơ hội việc làm cho mọi người với sự đồng hành của đối tác nhân sự Manpower Việt Nam, Nền tảng công nghệ bất động sản Cenhomes.vn và Sanco - Tivi điều khiển bằng giọng nói, sẽ phát sóng định kỳ vào 11h thứ 7 hàng tuần trên VTV3, từ ngày 14/9/2019.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi để lắng nghe quan điểm của ông về chương trình và câu chuyện tuyển dụng nhân sự, một vị “sếp” từ khi bắt đầu bước chân vào ngành dầu khí đến giờ chưa từng dựa dẫm hay lợi dụng bất kỳ điều gì để đi lên.

 

Tôi học hỏi được nhiều từ các ứng viên khi tham gia tuyển dụng

 

Chào ông Phùng Tuấn Hà. Được biết ông sẽ là một trong 6 vị Sếp ngồi ghế nóng Cơ hội cho ai - Whose Chance?. Lý do vì sao ông nhận lời tham gia chương trình này?

 

Khi được mời tham dự chương trình, tôi thật sự quan tâm và thích thú vì đây là cơ hội cho chính những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng như chúng tôi. Thông qua chương trình, tôi có điều kiện tiếp xúc những nguồn lao động tiềm năng được ban tổ chức chọn lựa, để có thể tìm thêm các ứng viên phù hợp với doanh nghiệp, khi hiện tại cũng còn thiếu những cơ hội tốt để người sử dụng lao động và người lao động gặp được nhau. Qua chương trình này tôi cũng mong muốn mang đến cơ hội phát triển nghề nghiệp cho những lao động có thực lực, có hoài bão và nhiệt huyết trong công việc. Đồng thời có thể hỗ trợ những ý kiến tư vấn, những lời khuyên và định hướng thiết thực cho không chỉ những người tham gia chương trình mà còn tới các bạn trẻ bên ngoài còn đang chông chênh về con đường sự nghiệp.

Hơn hết, điều khiến tôi thích thú nhất chính là việc được học hỏi kinh nghiệm từ những người cùng vai trò với mình và cả các thí sinh tham gia chương trình. Chúng tôi hiểu được mình và các bạn cần gì, có thể dung hòa và hợp tác được hay không. “Cơ hội cho ai - Whose Chance” cũng mang đến cho tôi cơ hội được gặp gỡ những nhân sự trẻ chất lượng, giúp chúng tôi thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn con người trong thế hệ mới.  

 

 

Ở góc độ thành viên ngồi ghế nóng, ông đánh giá như thế nào về chương trình? Ông đã dùng chiến thuật gì để thu hút các ứng viên?

 

Với tôi, chương trình là cơ hội để tạo nên sự tương tác giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc, thông qua đó tác động tích cực đến số đông thị trường lao động. Dựa trên những chia sẻ, thương lượng giữa các bên, chương trình góp phần hỗ trợ các ứng viên trong quá trình tìm kiếm việc làm và giúp đỡ các nhà tuyển dụng lựa chọn những ứng viên phù hợp. 

 

Tôi không dùng từ “chiến thuật” ở đây, vì tôi chỉ mong muốn bằng sự đồng cảm, mức thu nhập tương xứng, văn hoá doanh nghiệp tốt để thuyết phục các ứng viên tiềm năng về với mình. Tôi không cho phép bản thân dễ dãi trong việc tìm ứng viên bởi đó là người sẽ làm việc và gắn bó với mình và doanh nghiệp. Họ phải thực sự phù hợp với công việc tôi cần. Ở góc nhìn của một nhà tuyển dụng, chúng tôi phải đọc được và cảm được rằng liệu ứng viên đó có sẵn sàng muốn cống hiến hay không.Và về mức lương giao kết hiện tại , nó sẽ chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đối với doanh nghiệp chúng tôi,sau 3 - 6 tháng, nếu các bạn thể hiện được năng lực, nhiệt huyết thì khi đó mức thu nhập sẽ không còn là vấn đề lớn nữa.

 

Theo ông, nếu có thêm tính nghệ sĩ, nhân viên có giúp gì cho bản thân người đó và cho doanh nghiệp họ công tác hay không?

 

Tại Tổng công ty tôi, phong trào văn nghệ, thể thao tương đối được quan tâm. Trong doanh nghiệp, kinh doanh là việc chính, là số một, nhưng không phải lúc nào kinh doanh cũng trôi chảy thuận lợi. Bên cạnh khoảng thời gian làm việc căng thẳng, cũng nên có những lúc chơi thể thao, văn nghệ thư giãn, tiếp thêm và tái tạo năng lượng để hoàn thành tốt hơn công việc chính của mình. Những bạn có năng khiếu thể thao, ca hát ở công ty tôi được tạo điều kiện tham gia: Tiếng hát truyền hình, Vietnam Idol, Sao mai điểm hẹn… và đều đạt giải cao. Chính từ cái nôi là những phong trào ở Petrosetco đi lên, những bạn đó tham gia thành công các hoạt động chuyên nghiệp bên ngoài, nhưng khi về với công ty thì vẫn hoàn thành tốt công việc của mình và tuân thủ kỷ luật Công ty. Tất nhiên với những trường hợp như vậy, vì các bạn cũng đã mang lại sự tự hào cho hàng nghìn cán bộ, công nhân viên khi mang danh người lao động đến từ PETROSETCO nên chúng tôi có những cơ chế đặc biệt hơn để tạo điều kiện cho các bạn trau dồi chuyên môn nghệ thuật và cũng nâng cao thu nhập cá nhân.

 

Tôi cho rằng hai yếu tố công việc và nghệ thuật ở một số đoạn cũng nên đi song hành với nhau, miễn sao sự song hành đó mang lại hiệu quả tốt hơn cho công việc, vì dù sao mình vẫn luôn cần xác định được mình đang ở đâu, biết nhiệm vụ của doanh nghiệp mình kinh doanh là chính.

 

Tôi cần người giỏi, nhưng trước hết họ phải có đạo đức

Còn nhớ năm 2009, ông từng gây bất ngờ khi đầu quân cho một đơn vị nghèo nhất tập đoàn Dầu khí Việt Nam PETROSETCO. Ông có mục tiêu nghề nghiệp như thế nào ở thời điểm đó?

 

Từ khi bắt đầu vào ngành dầu khí đến giờ thì tôi chưa từng dựa dẫm, hay lợi dụng bất kỳ điều gì để đi lên. Tôi luôn muốn cố gắng đi bằng chính đôi chân của mình và làm những điều tốt nhất cho doanh nghiệp, tập thể và tất nhiên, trong đó có cả cá nhân mình. Tôi cho rằng còn sức, còn tuổi thì mình làm được gì thì nên cố gắng làm. Nước nổi thì bèo cũng nổi, doanh nghiệp phát triển thì khi mình là thành viên trong đó, mình cũng được phát triển. Ông bà có nói “Cái khó ló cái khôn”, thông qua những giai đoạn phải vật lộn để vượt khó thì con người mình trưởng thành hơn và trở nên tự tin trong mọi hoàn cảnh, dù có khó thì ít nhất mình cũng phải càng khôn hơn.

 

Vì thế, tôi muốn vào những doanh nghiệp khi còn trong giai đoạn khó khăn. Về mặt cá nhân, tôi xem đó là môi trường để mình nỗ lực phát triển một cách tốt nhất và bền vững nhất. Còn về mặt cống hiến cho tập thể, khi tôi đầu quân, Petrosetco có hơn 3000 người lao động, nếu doanh nghiệp phát triển được thì nghĩa là trực tiếp tôi đã giúp đỡ cho mình và cho những người lao động của mình, gián tiếp là tôi đã giúp đỡ được cho gia đình họ. Hầu như mấy nghìn con người đó đều có gia đình, khi họ có công việc, thu nhập tốt hơn thì cuộc sống gia đình họ sẽ tốt hơn.

 

Tôi cho rằng khi mình có thể làm điều tốt được cho ai thì mình nên làm. Tôi muốn công ty phải là ngôi nhà thứ hai của mọi nhân viên, ngôi nhà lớn này sẽ tương trợ được cho mỗi ngôi nhà nhỏ của họ, và như vậy ở chiều ngược lại, người lao động cũng sẽ hết sức hết lòng vun đắp cho ngôi nhà lớn, cũng chính là để cho ngôi nhà nhỏ của mình. Đó là lý do tôi về lèo lái con thuyền PETROSETCO khi tôi đang ở một Tổng công ty rất có điều kiện. Ở thời điểm hiện tại, giàu có thì chưa nhưng PETROSETCO đã cải thiện hơn nhiều. Đó là niềm vui, hạnh phúc của tôi và có thể sau này nếu tôi không còn làm việc nữa thì đơn vị này cũng là một ký ức đẹp, đánh dấu hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ mà tôi không bao giờ quên được.

 

Quan điểm của ông về lĩnh vực việc làm, nhân sự là gì?

 

Thu hút và đào tạo một nguồn nhân lực giỏi, có trình độ cao, gắn bó và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào.

 

Tuy nhiên đối với tôi, tôi đề cao yếu tố “phù hợp” khi xem xét về năng lực của nhân sự, sự phù hợp sẽ khiến sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhân sự lâu dài hơn.

 

Do đó, để xây dựng được nguồn nhân lực hiệu quả, trước hết phải tuyển dụng được nguồn nhân sự có năng lực phù hợp, kế đến là tạo điều kiện để vừa phát huy được năng lực cá nhân, vừa gắn kết được các cá nhân thành đội ngũ mạnh. Nhưng để phát huy được hay không và gắn kết được hay không, đó lại là vai trò và bản lĩnh của người đứng đầu.

 

Lời khuyên cho bạn trẻ khi đặt mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân mình?

 

Thông qua chương trình, đa phần tôi thấy thế hệ trẻ họ tự tin, hiểu biết, kinh nghiệm và có điều kiện hơn rất nhiều so với thế hệ tôi ngày xưa. Có những trường hợp tôi thuyết phục bằng được, có những trường hợp tôi nặng lời đôi chút vì “Thương thì cho roi cho vọt” để cho các bạn bừng tỉnh vì đã sai lầm.

 

Tất nhiên ở môi trường lao động hiện nay cũng sẽ không ít bạn thiếu tự tin, nhưng cũng sẽ có những bạn tự tin thái quá. Chính điều đó sẽ khiến các bạn gặp thất bại khi đi tuyển dụng. Các bạn hay ảo tưởng về giá trị bản thân. Bởi các bạn cho rằng việc đạt thành tích khá giỏi ở giảng đường đã là điều quan trọng nhất. Nhưng không hẳn thế, những gì bạn học ở ghế nhà trường chỉ là một phần kiến thức. Ngoài ra, môi trường công việc hiện đại với các yêu cầu kinh nghiệm thực tiễn còn cần nhiều thứ hơn là kiến thức trường lớp. Đó là cách xử lý tình huống công việc, kỹ năng phối hợp đội nhóm, kỹ năng làm việc với đối tác…

 

Bản thân tôi ở vị trí của một nhà tuyển dụng, chúng tôi sẽ rất cần người giỏi. Tuy nhiên câu chuyện đạo đức luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Thậm chí, tôi sẵn sàng loại ứng viên giỏi nếu thấy rằng bạn ấy không có nền tảng tư chất phù hợp. Vì vậy, điều quan trọng là các bạn phải biết mình là ai, dung hoà cá tính và có cách cư xử đúng đắn với nhà tuyển dụng. Ngoài ra các bạn cần nên nhớ một điều: ngoài năng lực,  doanh nghiệp sẽ luôn cần những nhân sự tận tâm, vì với họ, sự tận tâm mới có thể mang lại sự tận lực.

 

Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ

Từ Khánh An 

Chia sẻ:    

Tin tức khác