Phóng viên Vietnam Business Forum đã có buổi phỏng vấn ông Phùng Tuấn Hà – Tổng giám đốc về những thành quả mà Tổng công ty đã đạt được cũng những vấn đề liên quan đến ngành dịch vụ…
Nhìn lại chặng đường dựng xây và phát triển, giờ đây PETROSETCO đã là một thương hiệu vững mạnh, khẳng định đẳng cấp trong và ngoài nước với doanh thu luôn ở mức cao. Ông có thể chia sẻ thêm về những thành công cũng như chiến lược phát triển của Tổng công ty?
Niềm tự hào, đồng thời cũng là bí quyết thành công của Tổng công ty chính là đội ngũ cán bộ, nhân viên có đạo đức nghề, giàu kinh nghiệm, tận tâm với công việc và luôn chủ động trước sự phát triển của thị trường. Trong suốt chặng đường vừa qua, bằng nỗ lực không mệt mỏi, PETROSETCO đã mạnh mẽ vượt thoát mọi khó khăn thách thức, tự tin khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường và làm nên những con số ấn tượng, thể hiện qua doanh thu của Tổng công ty hằng năm. Những thành quả PETROSETCO gặt hái được ngày hôm nay chính là nền móng cho việc gia tăng sức lan tỏa của thương hiệu PETROSETCO trên thương trường trong giai đoạn tới. Với định hướng phấn đấu trở thành sự lựa chọn số 1 tại Việt Nam trong lĩnh vực Phân phối,Thương mại và Dịch vụ, PETROSETCO tiếp tục kiên trì với chiến lược “Kinh doanh có hiệu quả, cạnh tranh với thị trường bằng chất lượng dịch vụ. Để đạt được mục tiêu trên, PETROSETCO tập trung củng cố, ổn định mạng lưới; tái cấu trúc lại danh mục đầu tư vốn, tập trung mọi nguồn lực vào việc phát triển kinh doanh cốt lõi là các loại hình dịch vụ. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp; nâng cao trình độ cán bộ, công nhân viên; nâng cao chất lượng dịch vụ - phục vụ trên tinh thần phục vụ nhanh, tiện lợi, chính xác để trở thành điểm tựa vững chắc của khách hàng...PETROSETCO cam kết luôn cung cấp dịch vụ tốt nhất đến khách hàng, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, thực hiện thành công định hướng trở thành Tổng công ty dịch vụ tổng hợp hàng đầu Việt Nam cả về chất lượng lẫn hiệu quả hoạt động.
Sự phát triển của PETROSETCO, cá nhân ông được biết đến là người có những đóng góp to lớn vào sự lớn mạnh của Tổng công ty. Ông đã vận dụng như thế nào vào điều hành kinh doanh và phát triển Tổng công ty?
Theo tôi thì trên thương trường, sự thành công của doanh nghiệp không phải ở tổng số vốn hiện có hay công nghệ hiện đại mà được quyết định bởi việc con người đó tổ chức ra sao và được dẫn dắt bởi giá trị nào. Kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là một quá trình lâu dài và gian khổ nên rất cần người lãnh đạo có nhận thức, quan điểm đúng đắn, một niềm tin mãnh liệt và lòng khát khao cháy bỏng. Bất cứ làm cái gì chỉ có tính thuyết phục khi nó phục vụ cho lợi ích chung. Kinh doanh và phát triển doanh nghiệp chính cũng để phục vụ lợi ích chung của toàn doanh nghiệp trong quá trình tồn tại và phát triển. Trong đó, doanh nghiệp phải xây dựng cho được một hệ thống định chế, bao gồm những vấn đề liên quan đến tính chuyên nghiệp như: sự hoàn hảo và rõ ràng về công việc trên cơ sở hài hoà giữa quyền hạn và trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ; các tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng; tinh thần và thái độ; quy trình kiểm soát, phân tích các công việc sao cho những người lãnh đạo có được những quyết định sáng suốt, sát với yêu cầu của thị trường, còn nhân viên có lòng tin và tôn trọng lãnh đạo và biết chính xác việc mình làm hiệu quả như thế nào... đó là những gì mà tôi đã vận dụng vào điều hành Tổng công ty trong suốt thời gian qua.
Và từ những nỗ lực trên, đến nay Tổng công ty đã xây dựng được một môi trường làm việc đồng thuận, gắn kết chặt chẽ giữa lãnh đạo và nhân viên trong ngôi nhà chung PETROSETCO. Người lao động làm việc tạiPETROSETCO luôn được quan tâm và đãi ngộ xứng đáng bằng tiên lương, thưởng và các chính sách. Đây cũng là cách bù đắp lại những nỗ lực của các nhân viên đã cùng PETROSETCO sát cánh vượt mọi thăng trầm biến động trong suốt chặng đường phát triển vừa qua.
Ông suy nghĩ và đánh giá như thế nào về thực trạng của ngành dịch vụ hiện nay và đâu là những vấn đề mà chúng ta cần quan tâm, thưa ông?
Trong những năm qua do chúng ta chưa có cơ chế quản lý rõ ràng, do vậy đã và đang diễn ra tình trạng ai cũng có thể làm dịch vụ, làm theo tự phát, không có tổ chức v.v.. điều này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển ngành dịch vụ thực thụ tại Việt Nam. Một khi đã làm dịch vụ tự phát, không có quy hoạch thì khó tránh khỏi tình trạng manh mún ... Trong khi thời gian không cho phép chúng ta vừa làm vừa thử nghiệm vừa khắc phục vừa sửa sai, vì nếu như chúng ta cứ tiếp tục làm như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ theo kịp với sự phát triển chung của ngành dịch vụ toàn cầu, và luôn là nước đi sau.
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương đã và đang rất cố gắng khắc phục, đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục thông qua các buổi hội thào, tọa đàm v.v.. Tuy nhiên, để có thể ngay ngày một ngày hai chúng ta khắc phục được là điều không thể, mà cần cả quá trình, có tổ chức. Phát triển dịch vụ phải đi đôi với phát triển bền vững. Tuy nhiên phải đi kèm với cơ chế quản lý phù hợp và có tính quy hoạch. Có cơ chế chính sách hợp lý tránh chồng chéo trong quản lý và điều hành, tạo nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ có chuyên môn. Bên cạnh đó, phát triển cở sở hạ tầng phải đi đôi với chiến lược phát triển dịch vụ bền vững.
Nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng ngành dịch vụ Việt nam hiện nay đang còn yếu và thiếu nguồn nhân lực một cách trầm trọng. Theo ông, xuất phát từ đâu mà họ lại có suy nghĩ và đánh giá như trên?
Là người hoạt động trong ngành dịch vụ, tôi rất đồng ý với nhận xét trên. Việt Nam là quốc gia với 90 triệu dân và là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ cao trên thế giới. Bản thân điều này đã thể hiện phần nào về tiềm năng nguồn nhân lực dồi dào của chúng ta. Nhưng chúng ta đang thiếu, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực biết làm dịch vụ, có chuyên môn, có kỹ năng v.v..Do yếu tố khách quan, Việt Nam mới chỉ chính thức bước vào nền kinh tế hội nhập toàn cầu, và phát triển dịch vụ mới chỉ đựơc chú trọng trong những năm gần đây, do vậy khó có thể đỏi hỏi sự hoàn thiện về nguồn nhân lực tốt. Do là nước phát triển sau, do đó chúng ta cần học những kinh nghiệm qúy từ những nước đã có ngành dịch vụ phát triển để áp dụng. Chúng ta cần một thời gian để được quản lý và tổ chức đồng bộ tốt từ các cấp quản lý, có sự phối hợp tốt giữa các tổ chức có liên quan. Có các chương trình liên doanh, liên kết với những đối tác có kinh nghiệm trong đào đạo và quản lý nguồn nhân lực.
Văn Lượng thực hiện.