(Petrotimes) - Văn hóa mỗi doanh nghiệp được cộng lại từ nhiều việc làm nhỏ. Văn hóa Dầu khí được tạo thành từ hoạt động hằng ngày của lãnh đạo cao cấp, cán bộ, công nhân viên đến những hoạt động an sinh xã hội lớn lao khác. Có được truyền thống văn hóa lớn mạnh như ngày nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gây dựng những nét đẹp ấy từ những hành động nhỏ như “nhặt được của rơi trả người đánh mất”. Đó cũng là nét văn hóa của một ngành kinh tế lớn mạnh của cả nước.
Trực tiếp làm việc với các chị quản lý hồ sơ tài liệu khen thưởng của Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Tài sản Dầu khí (PSA), tôi ngạc nhiên bởi xấp hồ sơ lưu trữ danh sách khen thưởng gương sáng của nhân viên trong ngành Dầu khí. Điều đặc biệt, những gương sáng “Nhặt được tài sản đánh rơi của khách đem trả lại” có tới hàng trăm bộ. Tìm hiểu thì được biết, từ lâu, những ai vào ra trụ sở, nếu không may đánh rơi từ cặp tài liệu, chiếc ví da, túi xách hay điện thoại đều được nhân viên ở đây mang bàn giao cho Ban Quản lý Tòa nhà để trao lại cho người mất trong thời gian sớm nhất.
Từ Anh nhân viên bảo vệ, cô phục vụ...
Tháng 2/2013, một nhân viên bảo vệ của PV Security (Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ An ninh Dầu khí Việt Nam) là anh Đỗ Anh Liên, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra ở bãi đỗ xe của Tòa nhà Viện Dầu khí - 173 Trung Kính đã phát hiện một chiếc ví da, anh liền mang chiếc ví đó lên Ban Quản lý Tòa nhà trình báo, hy vọng người mất có thể sớm nhận lại được. Trong ví ngoài những giấy tờ quan trọng còn có 600USD. Ca trưởng Phạm Minh Thìn cho biết, ca trực anh Liên nhận được ví rơi vào buổi trưa một ngày cuối tuần, khoảng thời gian đó có rất ít người đi lại. Vì thế, nếu không phải là người chân thật, chiếc ví rất khó có thể quay lại với chủ.
Anh Đỗ Anh Liên
Tôi gặp anh Hà Xuân Thưởng, Đội trưởng đội Bảo vệ PV Security để tìm hiểu về anh Liên thì được biết, đây không phải là lần đầu tiên anh Liên nhặt được và mang trả lại cho người mất những vật dụng có giá trị. Trong năm 2012, anh Liên từng nhặt được một chiếc iphone 4, anh đã trình báo ngay để kịp thời trả lại cho người mất.
Gặp tôi, anh Liên cười và nói rất vui: “Khi nhận được đồ, người đánh rơi rất cảm kích. Đến tết người ấy còn biếu tôi một cuốn lịch”.
Đầu năm 2013, Công ty TNHH Liên Thái Bình (Pan Pacific) tự hào vì công ty có một nhân viên nữ trẻ trong một lần phân loại tài liệu tại tầng 18, chị phát hiện ra một phong bì có 5.000.000 đồng. Không chần chừ chị báo cáo lên Ban Quản lý Tòa nhà để trả lại cho người bị mất. Đó là Nguyễn Thị Linh, cô gái trẻ mới 23 tuổi, chuyển vào phục vụ tại Tòa nhà 18 Láng Hạ được hơn 1 năm.
Chị Nguyễn Thị Linh
Linh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Sống xa gia đình, từ lâu cô đã phải một mình lo toan mọi chi phí sinh hoạt cho bản thân và dành một khoản gửi về cho gia đình mỗi tháng. Thế nhưng, khi nhặt được số tiền lớn hơn cả tháng lương làm việc của mình, cô chỉ nghĩ: “Số tiền khá lớn đối với em nhưng nó không phải là của em. Người bị mất của sẽ xót lắm. Em đi làm phục vụ được rèn luyện tính trung thực nên khi phát hiện số tiền em chỉ mong người bị mất sớm nhận lại được”.
Tổ vệ sinh tại Tòa nhà 18 Láng Hạ có 46 người, Linh là người trẻ nhất và cũng được các cô, các anh chị ở đây yêu quý. Lý do tại sao thì có lẽ câu chuyện này đã là một lời giải đáp.
Đến những gương sáng ở khu bếp ăn Viện Dầu khí
Nét đẹp văn hóa “Nhặt được của rơi trả người đánh mất” không chỉ tìm thấy ở những người làm bảo vệ, người làm vệ sinh. Điều đáng nói, đa phần những món đồ họ nhận được đều là một tài sản lớn so với thu nhập cá nhân. Trong khu bếp ăn tầng 2 của Tòa nhà Viện Dầu khí cũng có nhiều trường hợp nhân viên bếp nhặt được tài sản của khách để quên. Chị Lê Thị Lan Anh làm ở bếp ăn của PSA đã 2 lần nhặt được tài sản của khách để quên tại nhà ăn của Tòa nhà Viện Dầu khí.
Đầu năm 2012, trong lúc dọn dẹp ở nhà ăn, chị Lan Anh có nhặt được một áo khoác của khách. Phát hiện trong áo có giấy tờ quan trọng là sổ hộ khẩu và sổ tiết kiệm trị giá tới 2 tỉ đồng. Không chần chừ, chị đã báo ngay cho Ban Quản lý Tòa nhà. Cũng trong năm 2012, chị Lan Anh nhặt được một điện thoại E72 do khách để quên và cũng tìm cách trả lại cho người mất.
Chị Lê Thị Lan Anh
Cũng ở trong bếp ăn, đồng nghiệp của chị Lan Anh là chị Phạm Thị Hằng cũng được Ban Quản lý Tòa nhà Viện Dầu khí tuyên dương bởi 3 lần nhặt được tài sản rơi của khách. Liên tiếp trong tháng 11/2011, chị Hằng 1 lần nhặt được ví, 1 lần nhặt được một hóa đơn bán hàng và một gói tiền hơn 200 triệu đồng. Lần thứ ba chị Hằng cũng trả lại một túi xách của khách đến ăn để quên. Vì điều này, Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) đã tặng danh hiệu lao động điển hình xuất sắc cho Hằng. Hành động đẹp của chị rất đáng được biểu dương bởi hoàn cảnh gia đình chị Hằng còn khó khăn. Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở Hưng Yên, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chị Hằng sớm nuôi ước mơ học nghề lập thân. Vốn tính cần cù, chăm chỉ, chị Hằng chi tiêu tiết kiệm để cân đối mọi chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ trên thành phố. Thế nhưng khi nhặt được tài sản lớn của khách để quên, chị không hề mảy may đắn đo mà đem trình báo cho Ban Quản lý Tòa nhà, mong sớm gửi trả lại đồ cho khách để quên.
Chị Phạm Thị Hằng
Ông Nguyễn Đăng Quang, Giám đốc PSA cho biết, hằng năm Công ty đều đảm bảo tổ chức cho mỗi cán bộ, công nhân viên có ít nhất một lần tham dự các buổi học về các giá trị cuộc sống, xây dựng đội ngũ làm việc trên tinh thần đoàn kết yêu thương nhau để tạo nên một tập thể đầy sức mạnh. Công ty luôn có những điển hình bởi ngoài nhờ việc chú trọng đến chuyên môn họ còn chú ý đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đó là khuyến khích công nhân viên trung thực, thật thà, vì nghề chính của công ty làm dịch vụ nên phải tiếp cận khách hàng rất nhiều, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ngành. Công ty luôn chú trọng tuyên truyền giáo dục, đặc biệt là các đức tính trung thực, cẩn thận, làm việc có trách nhiệm…
Theo chị Hoàng Thị Thu Huyền, người quản lý bếp ăn của Tòa nhà Viện Dầu khí, anh Hà Xuân Thưởng - Đội trưởng đội Bảo vệ PV Security, việc nhân viên của công ty nhặt được tài sản đánh rơi và đem trả lại rất thường xuyên. Tất cả các trường hợp đều được Công ty PSA khen thưởng kịp thời. Những việc làm này tưởng chừng là nhỏ nhưng không phải bất cứ công ty, doanh nghiệp nào cũng rèn luyện được đức tính trung thực cho nhân viên như vậy. Họ là những người góp phần tô đẹp thêm văn hóa ngành Dầu khí.
Thanh Huyền