Tin tức - Sự kiện

Tin PETROSETCO

Doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh: Thay đổi để thành công! (Kỳ 2) (PetroTimes)

12/09/2014 04:06:24 PM
(PetroTimes) - “Tôi là một con người luôn học hỏi để hướng đến cái mới, vì vậy tôi không cố định mình trong một hình mẫu hay quy chuẩn nào..." - doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh nói.
Kinh doanh với tầm nhìn mới
“Là một công ty non trẻ vừa mới được thành lập, tất nhiên nếu không có một điểm gì đó khác biệt, Smartcom chắc chắn không thể cạnh tranh lại với các “ông lớn” trong lĩnh vực phân phối ĐTDĐ lúc bấy giờ. Có thể nói, thành công của chúng tôi hôm nay là nhờ sự mạnh dạn thay đổi và cải tiến về mô hình phân phối” - anh chia sẻ.
Thông thường, các nhà sản xuất khi muốn đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường nào đó cần thông qua một nhà phân phối chính. Nhà phân phối chính sẽ đưa sản phẩm đến các nhà bán sỉ, từ đó phân phối đến các đại lý bán lẻ. Cuối cùng người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm tại các đại lý bán lẻ này. Như vậy một sản phẩm từ lúc xuất xưởng cho tới khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua 3 cấp.
“Mô hình phân phối của Smartcom khác biệt ở chỗ, chúng tôi bỏ qua bước trung gian tại các nhà bán sỉ. Sản phẩm của chúng tôi được phân phối trực tiếp đến các đại lý bán lẻ trên toàn quốc mà không thông qua nhà bán sỉ nào. Như vậy chúng tôi sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí từ khâu trung gian này và tất nhiên, chúng tôi sẽ trích một phần trong số dư đó chia sẻ cho các đại lý bán lẻ. Các đại lý nhận được lợi nhuận nhiều hơn, tất nhiên họ sẽ ủng hộ, hợp tác với chúng tôi. Từ đó chúng tôi dễ dàng xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác mới, giảm bớt đi sự cạnh tranh từ các nhà phân phối khác”.
Tuy nhiên, theo anh phân tích, mô hình này cũng có một số thử thách rất lớn, đó là áp lực về chi phí, nhân sự và bài toán vận tải. Ở mô hình cũ, các nhà bán sỉ sẽ là người giao sản phẩm đến nhà bán lẻ nằm rải rác khắp nơi trên đất nước. Khi Smartcom bỏ qua bước trung gian là các nhà bán sỉ, họ phải trực tiếp giao sản phẩm đến từng đại lý trên cả nước. Đây là một bài toán vận tải cực kỳ khó. Và để giải bài toán này, anh Phan Quang Tuấn Anh đã tính toán, cho đầu tư xây dựng 10 kho hàng tại khắp các tỉnh, thành lớn trải dài từ Bắc vào Nam. “Việc xây dựng này tất nhiên sẽ phát sinh chi phí, nhưng khi đó chúng tôi lại đạt được nhiều thuận lợi hơn trong việc giao hàng. Nhờ vậy, với mỗi đơn hàng, chúng tôi hoàn toàn có thể cam kết giao đến tận tay đại lý chỉ trong vòng 24 giờ, bất kể đơn hàng đó nằm ở đâu trên cả nước” - anh giải thích.
Nhưng không chỉ vậy, ở mô hình này còn tồn tại một thách thức khác về mặt nhân sự. Trong khi các nhà phân phối khác chỉ việc giao hàng đến cho một vài nhà bán sỉ, thì Smartcom lại phải làm việc trực tiếp với hàng ngàn đại lý bán lẻ khác nhau. Như vậy, Smartcom buộc phải có một số lượng nhân viên kinh doanh đáng kể trải dài trên cả nước. Như thế sẽ kéo theo hệ quả là số tiền lương Smartcom phải chi trả sẽ gấp nhiều lần những doanh nghiệp khác.
Doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh trong buổi ký hợp đồng với nhãn hiệu BlackBerry
Trả lời chúng tôi về vấn đề này, Tuấn Anh lý giải: “Một khi Smartcom đã xác định sẽ trở thành một doanh nghiệp lớn trong thị trường phân phối thì cách thức thực hiện của chúng tôi phải thể hiện được điều đó. Từ một sản phẩm rất nhỏ trên thị trường là Sony Ericsson, chúng tôi dần dần phát triển phân phối thêm nhiều thương hiệu khác. Số lượng nhân viên cũng từ đó tăng lên tỷ lệ thuận với những thành công và lợi nhuận chúng tôi đạt được. Ban đầu lượng nhân viên kinh doanh của chúng tôi chỉ có khoảng 20 người, nhưng theo đà phát triển đã tăng dần lên, đến nay đã có khoảng 150 nhân viên sống và làm việc tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Bởi lẽ 1 nhân viên kinh doanh của chúng tôi có thể kinh doanh 1 lúc nhiều sản phẩm, điều đó cũng có nghĩa là chi phí cũng sẽ được chia sẻ giữa các nhãn hàng với nhau. Đây chính là lời giải cho bài toán nhân sự mà chúng tôi đặt ra và đó cũng chính là điều mà tôi tin là tốt nhất cho các hãng nhỏ khi vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam”.
Dựa vào kinh nghiệm của mình, anh khẳng định: Không một doanh nghiệp nào dám mạo hiểm kinh doanh 1 nhãn hiệu độc quyền, trừ khi nhãn hiệu đó thực sự lớn mạnh. Còn đối với các thương hiệu nhỏ khác, đây là mô hình phân phối phù hợp nhất mà họ có thể chọn khi muốn chen chân vào thị trường. Anh đặt ra ví dụ: “Anh là một thương hiệu nhỏ và mới muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Anh yêu cầu công ty tôi phân phối độc quyền sản phẩm của anh với 50 nhân viên kinh doanh và 10 kho hàng trên toàn quốc. Chắc chắn tôi sẽ từ chối vì lợi nhuận sẽ không thể bù đắp cho chi phí trong trường hợp này, nguy cơ chúng tôi bị lỗ là rất lớn. Nhưng nếu anh đồng ý để tôi bán sản phẩm của anh cùng với nhiều sản phẩm khác, cũng có nghĩa tất cả 150 nhân viên của tôi đều bán sản phẩm cho anh. Như vậy, tất cả các nhãn hàng đều nhận được lợi ích và dù muốn hay không họ cũng vui vẻ chấp nhận”.
Và đó chính là cách thức Smartcom trưởng thành, đương đầu với khó khăn thách thức trong những năm qua, để đến hôm nay, tất cả đều có thể thấy được doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh và Smartcom đã thực sự thành công với mô hình này.
Thay đổi để phát triển
Đánh giá về “cuộc chiến” giữa dòng máy tính bảng và ĐTDĐ cỡ lớn hiện nay, anh Phan Quang Tuấn Anh thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình: “Chắc chắn thị trường máy tính bảng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhưng tôi hoàn toàn không cho rằng máy tính bảng sẽ có thể thay thế ĐTDĐ. ĐTDĐ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong một thời gian dài, công nghệ di động sẽ còn thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta mới chỉ ở một ngưỡng giới nào đó, mà nếu có đủ khả năng vượt qua ngưỡng này, nền công nghệ ĐTDĐ sẽ hoàn toàn phát triển theo một cách khó có thể tưởng tượng được”.
Theo đánh giá của mình, anh cho rằng, trước mắt sẽ có một trào lưu sản phẩm giá rẻ từ các thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường. Hiện nay, không phải bất cứ ai cũng có đủ khả năng mua một chiếc điện thoại 15-16 triệu. Nhưng nhu cầu sử dụng ĐTDĐ của mỗi người là như nhau. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà sản xuất mới buộc phải cho ra đời những sản phẩm với mức giá rẻ hơn. Những sản phẩm này, về mặt công nghệ có thể nói không hề thua kém bất cứ nhãn hiệu nổi tiếng nào, họ chỉ thua kém về mặt thương hiệu. “Và tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người lựa chọn những sản phẩm này. Sẽ ngày càng có nhiều thương hiệu mới muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội và đó chính là cơ hội của Smartcom” - anh khẳng định.
Gần cuối câu chuyện, khi chúng tôi hỏi: “Với một người luôn say mê với những khó khăn, thử thách như anh, thì có lẽ kinh doanh ĐTDĐ chắc hẳn chưa phải là điểm dừng?”. Anh cười lớn: “Kinh doanh phân phối ĐTDĐ là ngành có tính cạnh tranh khốc liệt nhất và chúng tôi đã chứng minh là mình làm được, vậy không có lý gì chúng tôi lại không thử sức mình bằng cách đẩy mạnh thêm nhiều sản phẩm của các ngành nghề khác”.
Quả thật, cung cách hoạt động của Smartcom như một tấm gương phản chiếu con người của vị doanh nhân trẻ này. Slogan của Smartcom thay đổi theo từng năm cũng chính là thể hiện sự vận động thay đổi không ngừng của anh. Năm 2013, anh đặt khẩu hiệu cho công ty mình: “Change to succeed” - “Chúng tôi thay đổi để thành công”. Và đến năm nay, khi Smartcom đã đạt được những kết quả tốt đẹp, anh lại chọn cho mình một khẩu hiệu mới: “Smart working - Smart future”. Anh tin rằng, nếu con người làm việc một cách thông minh, họ sẽ có được một tương lai tươi sáng. Và rất có thể trong năm sau, anh lại hướng đến một mục tiêu mới, một slogan mới.
Anh cho biết, định hướng của Smartcom trong 3 năm tới đây là sẽ tiếp tục mở rộng phân phối thêm nhiều mặt hàng khác, có thể đó là ngành điện tử hoặc dược phẩm. Theo anh, đây là hai ngành nghề mà thị trường phân phối ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Nếu Smartcom có thể nắm bắt thời cơ, mở rộng thêm theo hai ngành này thì công ty sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, anh vẫn sẽ trung thành với mặt hàng chủ lực là ĐTDĐ.
“Tôi là một con người luôn học hỏi để hướng đến cái mới, vì vậy tôi không cố định mình trong một hình mẫu hay quy chuẩn nào. Cùng với sự phát triển, thay đổi của xã hội, chúng tôi cũng phải luôn thay đổi để phát triển để thực hiện mục tiêu lớn của mình: đưa Smartcom trở thành một doanh nghiệp phân phối sản phẩm hàng đầu tại Việt Nam” - doanh nhân Phan Quang Tuấn Anh khẳng định.
Nguyên Phương
Chia sẻ:    

Tin tức khác