(PetroTimes) - Mỗi ngày, nhà bếp Ban quản lý Tòa nhà Viện Dầu khí (PSA) phục vụ cho hàng ngàn suất ăn. Có được những suất ăn đầy đủ, ngon miệng, đảm bảo chất dinh dưỡng cho cán bộ, công nhân viên như vậy thì hàng ngày đội ngũ những người làm công tác hậu cần phải dậy từ rất sớm để tuyển lựa các loại thực phẩm hết sức kỹ lưỡng.
Hãy cùng phóng viên PetroTimes trải nghiệm một ngày đi “lựa rau, chọn thịt” cho bếp ăn tại 2 huyện Mê Linh và Đông Anh (Hà Nội)
Chúng tôi rong ruổi cùng anh Phạm Công Cần, Tổng quản lý, BQL tòa nhà Viện Dầu khí (PSA) đến thăm 2 nơi chuyên cung cấp thịt lợn và rau xanh - 2 nguồn thực phẩm chính phục vụ bữa ăn sáng và trưa tại Trụ sở chính của Tập đoàn - 18 Láng Hạ; Tòa nhà Viện Dầu khí - 173 Trung Kính; Tổng Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) 22 Ngô Quyền và 1 bếp cung cấp di động ở Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) - trên đường Hồ Mễ Trì. Đến cơ sở cung cấp thịt lợn ở địa chỉ Đội 2, thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm (Mê Linh, Hà Nội) tiếp chúng tôi là một thanh niên rất trẻ, sinh năm 1990, cũng chính là cậu chủ của cơ sở kinh doanh mang tên Thành Huân.
Người phải tắm trước khi… xem lợn
Ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 3 năm nay, cơ sở của Huân còn chuyên cung cấp thịt cho hàng chục công ty lớn khác có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn như: Canon, Toyota… Cơ sở của Huân tuy không rộng nhưng sạch sẽ, được cấp giấy phép hoạt động và luôn sẵn sàng cho các đợt kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng.
Mỗi ngày ở đây chỉ thực hiện mổ, pha chế cho khoảng 20 con lợn (trọng lượng tiêu chuẩn 95-100 kg). Lợn được nhập từ trại nuôi của Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) ở trị trấn Xuân Mai. CP là tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề và là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp, điển hình là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, sản xuất lương thực, thực phẩm chất lượng cao và an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Một xưởng chăn nuôi lợn của Tập đoàn CP
CP là công ty đầu tiên tại Việt Nam phát triển công nghệ chăn nuôi lợn bằng chuồng kín và hệ thống chăn nuôi “Hai điểm”, bao gồm điểm chăn nuôi lợn nái sinh sản chuyên sản xuất lợn con cai sữa và điểm chăn nuôi lợn thịt giai đoạn từ cai sữa đến xuất chuồng có thể trọng từ 95 - 100 kg. Với công nghệ hiện đại trong tổ chức hệ thống sản xuất từ giống, thức ăn đến trang trại chăn nuôi, sản phẩm thịt lợn CP bảo đảm an toàn, không sử dụng các chất cấm theo quy định của Bộ NN-PTNT như các chế phẩm beta-agonists (một dạng hoóc-môn tăng trọng để kích thích sinh trưởng và tăng tỉ lệ nạc). Để có được năng suất cao và chất lượng thịt ngon, CP đã nhập khẩu các giống lợn Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain và Berkshire từ các công ty giống hàng đầu của thế giới, nuôi thích nghi, nhân giống và cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Thành Huân giới thiệu quy trình chăn nuôi, giết mổ thịt đạt tiêu chuẩn
Huân cho biết, trung bình một ngày cơ sở phân phối của anh nhập khoảng 40 con chất lượng cao của CP. Hai mươi công nhân tại xưởng sẽ chia nhau thực hiện 3 công đoạn chính là làm sạch, mổ, pha chế rồi vận chuyển bằng xe đông lạnh đến các đầu mối dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện bên mua. Có thể khẳng định rằng, thịt lợn ở đây không có chuyện dùng mánh khóe bơm nước, tiêm thuốc tăng trọng như các xưởng giết mổ “chui” không giấy phép.
“Mặc dù sản phẩm được nhập ở một công ty có uy tín nhưng chúng tôi thường xuyên cắt cử người vào tận nơi chăn nuôi của CP đóng tại thị trấn Xuân Mai, Hà Nội để kiểm tra. Họ làm việc rất chuyên nghiệp, xe ô tô đi vào phải qua 2 cửa phun thuốc sát trùng. Tiếp đó, để vào được khu chăn nuôi của họ chúng tôi phải thay quần áo, tắm sạch sẽ rồi mặc quần áo và đeo khẩu trang do họ phát. Thấy cũng kì cục nhưng yên tâm về chất lượng an toàn vệ sinh ngay từ khâu đầu!”, Huân vui vẻ nói.
Thịt hôi do nhiều yếu tố
Khi chúng tôi đặt câu hỏi cách lựa chọn thịt sống bằng mắt thường để sau chế biến thịt được ngon, không có mùi hôi. Huân không ngần ngại đặt ngay một miếng “nạc vai” còn sống lên bàn vừa kể, vừa kiểm chứng: “Thứ nhất miếng thịt phải khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao. Anh xem ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều. Nếu thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng thường tích nhiều nước, thịt có độ săn chắc rất kém.
Khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm của thịt và đặc biệt không có mùi lạ, mùi hôi (mùi của lợn nọc, lợn nái hoặc mùi kháng sinh). Còn thịt lợn kém chất lượng hoặc lợn bệnh, lợn chết có màu đỏ bầm, nhũn nhão, độ đàn hồi kém, rỉ dịch nhiều, cắt sâu vào sẽ có máu ( do lợn chết trước khi chọc tiết nên máu còn tụ lại trong cơ thể). Nếu lợn chết đã lâu, thịt bị phân hủy cũng gây mùi, lớp bì tím bầm, nước luộc đục. Ngoài ra, một số trường hợp là do mùi phát ra từ tuyến mồ hôi từ một số con (lợn khỏe mạnh cũng có mùi) hoặc người chế biến khử mùi chưa đúng cách” - Huân giải thích.
Thăm vựa rau sạch của Hà Nội
Điểm đến thứ hai mà chúng tôi đến thăm là vựa rau sạch cung cấp cho toàn thành phố tại xã Vân Nội (Đông Anh) do HTX Đạo Đức quản lý. Vân Nội hiện có khoảng 50 đến 60 loại rau màu được đưa vào sản xuất, từ rau ăn lá đến rau củ quả. Điều đặc biệt nhất là tất cả rau trồng ở đây đều là rau sạch và chăm bón theo quy định cho phép.
Anh Phạm Công Cần kiểm tra một ruộng cà tại xã Vân Nội
Khâu đầu tiên của quy trình sản xuất rau sạch là chọn đất. Hầu hết đất trồng trọt ở Vân Nội đều xa khu công nghiệp, xa vùng nước thải, xa bệnh viện, gần nguồn thủy nông (sông Hồng). Đó là những điều kiện cần đảm bảo cho việc sản xuất rau an toàn. Sử dụng phân bón hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu mà nông dân đặc biệt chú trọng. Theo các hộ trồng rau lâu năm cho biết, dù phân hữu cơ hay phân hoá học đều cần phải sử dụng đúng liều lượng nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Đối với vấn đề chọn giống, các hộ xã viên tham gia sản xuất rau an toàn ở Vân Nội đa phần đều sử dụng giống tốt (F1, thuần chủng) độ nẩy mầm cao ở các công ty có uy tín như Công ty Giống cây trồng Hà Nội, Công ty Giống Trang Long và chủ yếu dùng các loại giống được mang từ nước ngoài về như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Xã Vân Nội tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau sạch. Bà con còn xem xét từng chủng loại rau để sử dụng thuốc đúng thời điểm nhằm mang lại hiệu quả, đặc biệt tránh hiện tượng nhờn thuốc. Khâu cuối cùng của quy trình sản xuất rau an toàn đó là thu hoạch và bảo quản. Theo đúng quy định, cách ly 15 ngày sau bón, bà con bắt đầu thu hoạch. Để bảo đảm rau xanh, sạch bà con có thể mang về cắt gốc, tỉa lá rồi sử dụng nước ôzôn để khử một số tạp chất (nếu có), sau đó rửa lại nước thông thường và để khô, đóng gói xuất đi các nơi.
Bà con nông dân xã Vân Nội bị thiệt hại khá lớn sau đợt mưa kéo dài vừa qua
Tuy nhiên, thật đáng tiếc mấy ngày mưa kéo dài vừa qua khiến nhiều ruộng rau ở thôn Đông Tây, xã Vân Nội đều bị ngập úng nặng. Các loại rau củ như cải, su hào, rau gia vị bị dập nát, thối rễ không thể cung cấp cho thị trường, đây là nguyên nhân thực đơn ăn trưa tại tòa nhà phải thay thế bằng các loại củ quả như cà rốt, su su…
Chị Đỗ Thị Liên, Chủ nhiệm HTX Đạo Đức (Xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) phản ánh, hầu hết diện tích trồng rau của bà con ở thôn Đông Tây đều thất thu trong đợt mưa kéo dài vừa qua. Đợt mưa này đã ảnh hưởng khá lớn đến năng suất một số loại rau ăn lá của nông dân. Phần lớn diện tích trên 20 ha đất trồng các loại rau, củ, lá... của HTX đã bị dập nát, thối rễ không có khả năng phát triển. Nhiều hộ dân gần như mất trắng một số loại rau như cải, su hào. Chỉ may mắn một số hộ dân có diện tích trồng rau nằm trên bãi đất cao, khả năng thoát nước tốt thì còn giữ được một phần, tuy nhiên để bù lỗ nên nông dân phải đẩy giá thành cao hơn bình thường.
Sau một ngày trải nghiệm cùng anh Phạm Công Cần, chúng tôi thực sự yên tâm về công tác tuyển chọn thực phẩm ngay từ những khâu đầu tiên, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. Quả thực, công việc “cơm lành, canh ngọt” hàng ngày cho cán bộ, công nhân viên tòa nhà xuất phát từ 2 điều giản đơn nhưng đầy trách nhiệm của những người PSA. Đó là: “Tận Tay và Tận Tâm”.
Nguyễn Kiên