Nhân dịp kỷ niệm tròn 18 năm thành lập PETROSETCO, Báo Năng lượng Mới đã có buổi trao đổi cùng ông Phùng Tuấn Hà - Tổng giám đốc.
PV: Theo ông, yếu tố nào làm nên một PETROSETCO ngày hôm nay?
Ông Phùng Tuấn Hà: Tôi cho rằng, điều làm nên PETROSETCO ngày hôm nay chính là nhờ vào yếu tố con người. Đây là yếu tố quyết định. Trong giai đoạn vừa qua, để phù hợp với cơ chế thị trường, PETROSETCO đã có sự thay đổi nhân sự khá gắt gao và triệt để, từ cấp cao cho đến các bộ phận quản lý phía dưới. Song song với việc thay đổi cơ cấu nhân sự, chúng tôi còn xác định: Tất cả các tầng lớp lao động của PETROSETCO buộc phải thay đổi tư duy trong kinh doanh dịch vụ. PETROSETCO bản chất là công ty dịch vụ tổng hợp. Tất cả các loại hình kinh doanh thương mại của PETROSETCO hiện nay đều gắn liền với dịch vụ, mà ngành dịch vụ hiện nay đang cạnh tranh nhau vô cùng khốc liệt. Vì vậy, muốn cạnh tranh được với thị trường bên ngoài, thì bản thân mỗi người lao động PETROSETCO phải thay đổi, phải giác ngộ tư tưởng trong cách làm dịch vụ, để làm sao gây dựng được sự tin yêu của khách hàng. Chính nhờ sự thay đổi nhận thức này mà các cấp lao động của PETROSETCO từ thấp nhất cho đến cao nhất đều đã góp phần rất đáng kể vào sự phát triển của PETROSETCO. Nói cách khác, chính yếu tố sức người, sức lao động, cách tư duy, nhận thức của người lao động đã tạo nên một PETROSETCO ngày hôm nay.
TGĐ Phùng Tuấn Hà
PV: Nhận trọng trách ở PETROSETCO, ông nhận ra mình phải thay đổi những gì, khi nào và tại sao, thưa ông?
Ông Phùng Tuấn Hà: Vào thời điểm 2009 khi tôi mới về nhậm chức, thì với tư duy, suy nghĩ, cung cách hoạt động trong những năm đó, công ty khó có thể phát triển bền vững được. Vì vậy, ngay khi ngồi vào vị trí điều hành, tôi đã phải rất quyết liệt, thay đổi tận gốc rễ cơ cấu hoạt động của PETROSETCO. Mặc dù ở những giai đoạn đầu thì đó là một cú sốc đối với người lao động, nhưng sau một thời gian, hầu hết mọi người đã nhận thức được, thấy được những thay đổi đều gắn liền với kết quả kinh doanh hiệu quả của PETROSETCO và tất nhiên sẽ gắn liền với đời sống thu nhập của người lao động được cải thiện. Người lao động khi thấy được kết quả như vậy thì dần đã tự nguyện ủng hộ. Và qua một thời gian, các chỉ số kinh doanh của công ty được nâng lên từng năm, từ đó thu nhập của người lao động cũng đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, thu nhập bình quân của công nhân viên PETROSETCO là 11,8 triệu đồng/người/tháng, còn thời điểm trước 2009 chỉ vào khoảng 6,5 triệu đồng.
PV: Để thay đổi công việc của người lao động thì dễ, nhưng để thay đổi tư duy của họ thì rất khó. Ông và ban lãnh đạo đã thực hiện điều đó như thế nào?
Ông Phùng Tuấn Hà: Vấn đề là ở công việc, mình phải phân công rất rõ ràng, cụ thể, chi tiết, để thông qua đó có thể đánh giá cụ thể từng vị trí lao động một cách chính xác nhất. Hằng tháng, nếu kết quả nghiệm thu tốt, người lao động sẽ được thưởng cao. Kết quả thấp sẽ phải nhắc nhở, nặng hơn thì bị kỷ luật. Nếu trong một thời gian không có tiến bộ, không thay đổi đương nhiên họ sẽ bị đào thải. Với những hình thức thưởng phạt rõ ràng như vậy, người lao động sẽ dần hiểu được, nếu họ làm việc tốt, thu nhập của họ sẽ được đảm bảo. Mà để làm tốt ngành dịch vụ, chẳng còn cách nào khác là anh phải thay đổi tư duy, thay đổi cung cách phục vụ để khách hàng hài lòng nhất.
PV: PETROSETCO được đánh giá là đơn vị có nhiều cách làm thương hiệu độc đáo. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Ông Phùng Tuấn Hà: Thực ra mà nói, những phương thức làm thương hiệu của PETROSETCO đều phát sinh từ hoàn cảnh. PETROSETCO là một đơn vị từng rất khó khăn, chi phí dành cho những hoạt động quảng cáo thương hiệu không nhiều. Vào những năm đầu, PETROSETCO hầu như chưa gây dựng được thương hiệu. Mà đối với một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làm dịch vụ thì thương hiệu là cái không thể thiếu. Nhu cầu thì cấp thiết, nhưng hoàn cảnh lại rất khó khăn. Do đó, túng thì phải tính, chúng ta hay gọi nôm na là “cái khó ló cái khôn”. Với xuất phát điểm khó khăn như vậy mà vẫn buộc phải khẳng định được thương hiệu trên thị trường để có thể tồn tại, PETROSETCO đã phải tìm mọi cách để quảng bá được tốt nhất với một chi phí rẻ nhất. Như một số đơn vị mạnh về tài chính, họ có rất nhiều cách quảng bá thương hiệu khác nhau, nhưng PETROSETCO thì lại phải tìm những cách khác để làm sao phát huy hiệu quả tối đa nhưng lại phải cực kỳ tiết kiệm. Có lẽ nhờ vậy mà PETROSETCO được đánh giá là biết cách làm thương hiệu tốt, độc đáo, hiệu quả.
PV: Xin ông cho biết, PETROSETCO là một doanh nghiệp cổ phần nhưng vẫn do Nhà nước chi phối, vẫn phải có trách nhiệm đối với xã hội. Như vậy ông và ban lãnh đạo PETROSETCO phải làm thế nào để vừa đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông, vừa đảm bảo trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội?
Ông Phùng Tuấn Hà: Các cụ xưa đã dạy rằng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Bản chất PETROSETCO nói chung và cá nhân mỗi người lao động PETROSETCO nói riêng đều có xuất phát điểm từ doanh nghiệp Nhà nước, nhưng lại hoạt động trong một môi trường, hoàn cảnh bắt buộc phải cạnh tranh mới tồn tại được. Chính vì nhận thức được điều đó một cách sâu sắc, cho nên suy nghĩ, cách làm của PETROSETCO những năm vừa qua có những thay đổi rất lớn so với doanh nghiệp Nhà nước cùng lĩnh vực. Chỉ có điều ta phải hoạt động làm sao để khi đã cổ phần hóa theo cơ chế thị trường, bắt buộc ta vẫn phải tồn tại và phát triển. Ở trong hoàn cảnh rất khó khăn như vậy thì PETROSETCO đã cố gắng phát huy sự linh động trong cơ cấu hoạt động, sao cho vẫn giữ được bản sắc doanh nghiệp có gốc Nhà nước, đồng thời vẫn phải phát triển mạnh mẽ trong cơ chế thị trường. Vấn đề là anh phải có những cách đi, cách làm để đáp ứng hài hòa cả hai mục tiêu.
Như đối với cổ đông, điều cao nhất cần quan tâm là lợi nhuận. Nhưng là doanh nghiệp Nhà nước thì an sinh xã hội phải tốt, đời sống người lao động phải cao, phải tham gia đóng góp tích cực vào những hoạt động mang tính nhân văn. Như vậy để đáp ứng được yêu cầu đó về mặt an sinh xã hội thì phải chi phí, trong khi cổ đông lại muốn đảm bảo lợi nhuận nhiều nhất có thể. Vì thế nếu doanh nghiệp kết hợp không thuyết phục hai trách nhiệm này sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn trái chiều. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa rồi PETROSETCO kết hợp tương đối tốt để có thể đáp ứng được cả hai: vẫn hoàn thành trách nhiệm đúng nghĩa là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hay nói cách khác là vẫn là đơn vị do nhà nước chi phối. Mặt khác cổ đông vẫn hài lòng vì kết quả kinh doanh của PETROSETCO năm sau luôn tốt hơn năm trước, đặc biệt là trong bối cảnh 2, 3 năm vừa qua cực kỳ khó khăn, nhưng PETROSETCO vẫn vượt mức tất cả các chỉ tiêu đề ra.
PV: PETROSETCO sẽ làm gì để có thể cạnh tranh thành công bằng chính năng lực vượt trội của mình, thưa ông?
Ông Phùng Tuấn Hà: Trong những năm vừa qua PETROSETCO đã tái cấu trúc rất nhiều lần, để chỉ những dịch vụ nào có thế mạnh, có đủ sức cạnh tranh mới có thể tiếp tục được tồn tại và được phát triển. Còn những dịch vụ nào không đủ sức tồn tại, qua một thời gian nâng cấp, cải thiện không được, PETROSETCO cũng mạnh dạn sáp nhập hoặc giải thể. WTO, AFTA, TPP sẽ dẫn đến những khó khăn chung mà bất cứ các doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt. Trước khi trách cứ ai hay đòi hỏi điều gì thì bản thân mỗi cá nhân nói riêng và doanh nghiệp nói chung đều phải cố gắng tự thân vận động, tìm mọi cách để vươn lên. Đối với những loại hình dịch vụ đang hoạt động kinh doanh, PETROSETCO vẫn phải luôn thay đổi, nâng cao chất lượng để có thể đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, chứ không riêng gì các thương hiệu ngoại nhập. Việc liên tục thay đổi, nâng cấp chất lượng các loại hình thương mại dịch vụ chính giúp PETROSETCO trau dồi khả năng, nâng cao sức cạnh tranh với các thương hiệu ngoại nhập khác. Cá nhân tôi cho rằng, phải luôn xác định cho mình ở mọi hoàn cảnh đều phải luôn cố gắng, trau dồi cho bản thân mình để đủ sức đề kháng, đủ sức vươn lên, đủ sức để tồn tại.
PV: Thưa ông, PETROSETCO đã đặt mục tiêu trở thành “sự lựa chọn số 1” trong ngành dịch vụ. Tại sao lại là “sự lựa chọn số 1” mà không phải là “số 1”?
Ông Phùng Tuấn Hà: Để trở thành thương hiệu thương mại dịch vụ đứng đầu thị trường thì rất khó. Trên thực tế việc đánh giá chất lượng dịch vụ là khó mang tính tuyệt đối. Nếu mình tự tung hô, đặt khẩu hiệu là mình phải trở thành số 1 Việt Nam thì như vậy rất dễ đẩy mỗi người lao động PETROSETCO đến với tư tưởng chủ quan, coi trọng hình thức mà không thực chất. PETROSETCO không quá tham vọng, tự mãn và duy ý chí như vậy.
Mục tiêu chúng tôi đưa ra là trở thành sự lựa chọn số 1 của khách hàng. Khi bạn là khách hàng và tôi là người cung cấp dịch vụ thì trong một danh sách rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác, tôi sẽ phải làm sao để trở thành sự lựa chọn đầu tiên của bạn. Có thể những nhà cung cấp dịch vụ kia có những cái vượt trội hơn tôi, nhưng ở tôi lại có những điểm để bạn thấy phù hợp, yêu thích, tin tưởng, khi đó, tôi vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của bạn. Ví dụ như dịch vụ cartering, dịch vụ quản lý tòa nhà, dịch vụ phân phối các thiết bị điện tử viễn thông, nếu bạn có nhu cầu đối với các dịch vụ đó, thương hiệu đầu tiên mà bạn nghĩ đến là PETROSETCO. Đó chính là “sự lựa chọn số 1 của khách hàng”. Mục tiêu phấn đấu của PETROSETCO đơn giản là như vậy thôi. Đó cũng được xem như kim chỉ nam cho mỗi một thành viên PETROSETCO, dù đang lao động ở bất kỳ vị trí nào thì cũng phải cố gắng hết sức để có thể đạt được đến mục tiêu đó.
PV: Ông có nghĩ rằng, cá tính của người lãnh đạo ảnh hưởng đến doanh nghiệp? Và ông đã đặt ra tiêu chí gì khi tuyển dụng lao động cho PETROSETCO như thế nào?
Ông Phùng Tuấn Hà: Đúng, tôi cho rằng, cá tính của người lãnh đạo ảnh hưởng rất lớn đến cung cách hoạt động của doanh nghiệp. Nhìn vào cách thức hoạt động của một doanh nghiệp, người ta ít nhiều cũng sẽ đánh giá được người lãnh đạo đó là người như thế nào.
Đối với PETROSETCO, ngoài những tiêu chí về chuyên môn là những thứ bắt buộc, thì người lao động khi vào làm việc ở PETROSETCO bắt buộc phải dốc hết tâm sức cho công việc của mình. Đã làm là phải làm hết khả năng của mình, hôm nay không được thì ngày mai phải tìm cách làm cho được. Những ai có tâm lý chây lười, làm việc cho qua ngày không thể tồn tại lâu được trong PETROSETCO.
PV: Theo ông, trong khoảng 5-10 năm tới PETROSETCO sẽ ở đâu? Ông có thể dự báo được những thuận lợi và khó khăn của PETROSETCO trong những năm tới?
Ông Phùng Tuấn Hà: Nếu vạch ra những mục tiêu cụ thể cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như PETROSETCO trong 5-10 năm tới tôi nghĩ là rất khó. Chỉ tiêu của PETROSETCO chỉ đơn giản: tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, vậy thôi. Những bước tiến có thể là ngắn, nhưng là những bước tiến vững chắc. Đây là ngành dịch vụ, vì thế nó phát triển hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội, rất khó để có thể tiên liệu điều gì. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, qua mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm PETROSETCO đều sẽ cố gắng vượt qua những mốc chỉ số của chính mình. Đó sẽ là những cột mốc cụ thể để trở thành từng nấc thang tịnh tiến cho sự phát triển bền vững của PETROSETCO.
PV: Thông thường những thương hiệu lớn trên thế giới và ở Việt Nam muốn có phát triển bền vững đều có sản phẩm mang thương hiệu đó. Nhưng đối với những doanh nghiệp dịch vụ thì sản phẩm lại khá trừu tượng, không phải là một vật phẩm cụ thể. Vậy thì theo ông, PETROSETCO có nên hướng tới phát triển một sản phẩm nào đó hay không, hay sẽ chỉ theo duy nhất làm dịch vụ?
Ông Phùng Tuấn Hà: Tôi cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều phải có một lối đi riêng cho mình. PETROSETCO vốn sinh ra đã là một công ty chuyên ngành dịch vụ, vì thế dịch vụ chắc chắn luôn phải là ngành chủ đạo. Lực lượng lao động của PETROSETCO đến nay là 2.500 người. Trong đó tuy mỗi người có những chuyên môn, vị trí khác nhau, nhưng tựu trung lại phần lớn trong số họ vẫn là những người lao động phổ thông. Còn về sản phẩm của ngành dịch vụ, tuy nó hơi trừu tượng một chút nhưng không phải là không thể thấy được kết quả. Như một người làm cartering, công việc chính của họ là nấu ăn, thì bữa ăn họ nấu chính là sản phẩm. Và sản phẩm đó là ngon hay dở thì do chính khách hàng nhận xét. Nếu họ nấu ngon, hoàn thành tốt công việc thì thu nhập của họ sẽ ổn định. Tôi thường hay nói với mọi người rằng: tương lai của mọi người, nồi cơm của mọi người chính do mọi người quyết định. Mọi người phải làm sao để luôn tạo ra được sản phẩm tốt nhất, ngon nhất cho khách hàng, vì sự hài lòng của khách hàng chính là thu nhập. Và tất nhiên, khi nhân viên của chúng tôi họ hiểu, họ làm được như vậy thì theo đó, uy tín của thương hiệu PETROSETCO trên thị trường sẽ được nâng cao. Tôi cho rằng, điều đó cũng có thể được xem là một sự phát triển bền vững và là tương lai của PETROSETCO.
PV: Theo thông tin khả tín thì PVN sẽ dần rút vốn toàn bộ khỏi PETROSETCO. Điều này có lẽ tất cả nhân viên PETROSETCO cũng đã biết. Vậy trong thời điểm chuyển mình này cũng như nhân dịp 18 năm thành lập Tổng Công ty, ông có thông điệp gì với toàn bộ công nhân viên PETROSETCO không?
Ông Phùng Tuấn Hà: Việc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam thoái vốn khỏi PETROSETCO là một đề tài nóng trong cả năm vừa rồi. Cũng có khá nhiều ý kiến giữa người lao động, lãnh đạo PETROSETCO và cả lãnh đạo PetroVietnam. PETROSETCO mới được 18 tuổi, trong khi rất nhiều công nhân viên đã có thâm niên hai mươi mấy năm trong ngành Dầu khí. Đối với những công nhân viên ấy, để có thể thay đổi nhận thức của họ rằng, bây giờ họ không còn làm trong ngành Dầu khí nữa thì đó là một vấn đề rất khó. Vai trò là công nhân viên Dầu khí dường như đã ăn sâu vào tư tưởng của đội ngũ lao động PETROSETCO. Mặc dù ở cương vị lãnh đạo, tôi đã rất nhiều lần làm công tác tư tưởng cho họ rằng, điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến công ăn việc làm của mọi người. Nhưng thực sự mà nói, tôi rất hiểu, trong trái tim của họ, ngành Dầu khí là một điều rất thiêng liêng, không dễ gì xóa bỏ được. Ngành Dầu khí hình thành là đã có họ, bao nhiêu năm làm việc là bấy nhiêu năm họ gắn bó với ngành. Họ đã và đang làm rất tốt công việc của mình. Nên nếu tới lúc nói rằng hôm nay họ đã trở thành người ngoài, không còn là nhân viên Dầu khí nữa thì có thể nói đó là một sự tổn thương tinh thần khá lớn.
Đó là ở góc độ tâm tư, suy nghĩ của người lao động. Còn với cương vị là người quản lý, lãnh đạo PETROSETCO, tôi khẳng định, không phải vì chủ trương đó mà PETROSETCO mới thay đổi để thích nghi với cơ chế mới. Những năm kinh tế khó khăn vừa qua PETROSETCO cũng đã thể hiện rất rõ rằng, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, có vốn Nhà nước hay không, PETROSETCO vẫn phải tồn tại và phát triển. Điển hình là cho đến giờ phút này Tập đoàn Dầu khí còn 35% vốn trong PETROSETCO, mà những loại hình dịch vụ chính mang lại doanh thu, lợi nhuận cho PETROSETCO đến 80% là ngoài ngành và đơn vị đã phải tự bươn chải để cho tới nay vẫn tồn tại, vẫn phát triển và đủ sức cạnh tranh với thị trường bên ngoài. Vì vậy giai đoạn tới chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực để việc thoái vốn của Petrovietnam khỏi PETROSETCO dù có hay không cũng sẽ không ảnh hưởng lớn tới đơn vị.
PETROSETCO đã bước sang tuổi tròn 18. Nếu xét về khía cạnh như một con người, 18 tuổi là đã bước sang độ tuổi trưởng thành. Một độ tuổi tràn đầy năng lượng, sức sống với nhiều ước mơ, hoài bão; đã trau dồi đầy đủ những kiến thức, những kỹ năng sống cơ bản để có thể tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của riêng mình. Đối với PETROSETCO cũng như vậy; đủ tự tin, vững vàng để có thể một mình độc lập trong cuộc sống. Mặc dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng tôi tin rằng những gì mà PETROSETCO đã học tập, trau dồi được trong 18 năm vừa qua đủ để trở thành một nền móng vững chắc, giúp PETROSETCO vững bước, đi những bước đi dài hơn, xa hơn trên thị trường thương mại dịch vụ ở Việt Nam
PV: Xin cảm ơn ông. Chúc PETROSETCO luôn luôn là “sự lựa chọn số 1” trong lĩnh vực dịch vụ!
Nguyên Phương (thực hiện)