Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chiều nay khẳng định đang tiếp tục khai thác dầu khí ở Biển Đông, sau sự kiện Trung Quốc mới đây mời thầu phi pháp 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.
Tại buổi họp báo quý 2 của PVN chiều nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên Phùng Đình Thực cho biết, tập đoàn đã gửi thư cho Tổng công ty Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và các nhà thầu đang hoạt động ở Việt Nam để tái khẳng định rằng 9 lô dầu khí mà phía Trung Quốc mời thầu đều thuộc thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc 1982.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí. Ảnh: Hoàng Lan
Do đó, lời mời thầu của Trung Quốc là không có giá trị. "Hiện Trung Quốc chưa có tuyên bố gì khác so với hoạt động mời thầu. Sự việc vẫn bình thường và PVN tiếp tục khai thác ở Biển Đông", ông Thực nhấn mạnh. Tập đoàn vẫn đang thực hiện công tác thăm dò với 3 đối tác nước ngoài của Nga, Mỹ và Ấn Độ tại 9 lô nói trên.
Lãnh đạo PVN cũng thông báo thêm rằng, Tập đoàn đang thực hiện lộ trình thoái vốn và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2015. Theo đó đơn vị này sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chính như thăm dò dầu khí, hóa dầu, công nghiệp khí và điện. "Nếu có thời cơ và thị trường thuận lợi, vẫn đảm bảo vốn nhà nước thì chúng tôi sẽ thoái vốn sớm hơn. Thời hạn muộn nhất là năm 2015 hoàn tất", ông Thực cho hay.
Dự kiến nửa đầu tháng 7, PVN sẽ báo cáo chính phủ về đề án tái cơ cấu. Hiện tập đoàn đầu tư ngoài ngành khoảng 5.000 tỷ đồng bao gồm một số lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Cụ thể tập đoàn này dự kiến xin ý kiến chính phủ về việc thoái vốn khỏi Tổng công ty bảo hiểm dầu khí và Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí xuống lần lượt là 18% và 20% thay vì 100%. "Trong trường hợp không được phép, thì chúng tôi sẽ thực hiện thoái vốn hoàn toàn theo đúng chỉ đạo", ông Thực nói.
Xung quanh thông tin cho rằng PVN quên nộp 21.000 tỷ đồng vào ngân sách, tập đoàn này khẳng định đã thực hiện theo đúng Nghị định 142 của chính phủ. Theo ông Thực, đôi lúc dư luận hiểu chưa rõ về cụm từ "lãi nước chủ nhà". Cụm từ này, trước đây được sử dụng khi hợp tác dầu khí với Liên Xô, còn nay PVN đã là một công ty TNHH một thành viên. Sự khác biệt duy nhất là chênh lệch tỷ giá do thời điểm quy đổi.
Tiền lãi dầu khí nước chủ nhà, Tập đoàn đã nộp vào ngân sách 50%. "50% để lại đầu tư 12 công trình trọng điểm và đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt", ông Thực khẳng định.
Hoàng Lan