(Petrotimes) - Nhiều năm qua, phong trào sáng kiến, sáng chế được phát triển sâu rộng, thu hút sự tham gia từ lãnh đạo đến từng kỹ sư, công nhân, trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích sản xuất của từng đơn vị, tổng công ty. Theo Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Hà Huy Dĩnh thì phong trào này phát sinh từ nhu cầu mang tính tất yếu ở một ngành kỹ thuật, công nghiệp đặc thù, cùng sự cổ vũ khích lệ của các thế hệ lãnh đạo Tập đoàn cũng như Công đoàn ngành.
Nhân Hội nghị tổng kết phong trào lao động sáng tạo giai đoạn 2007-2012 của Công đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Hà Duy Dĩnh dành cho Báo Năng lượng Mới cuộc trao đổi về vai trò, ý nghĩa của phong trào này đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước.
PV: Thưa Chủ tịch, xin ông cho biết phong trào lao động sáng tạo từ đâu mà có?
Chủ tịch CĐ Hà Duy Dĩnh: Nhu cầu phát sinh phong trào sáng kiến sáng chế là từ nguyên nhân khách quan của đặc thù công việc và chủ quan là con người. Phong trào này xuất phát từ yêu cầu khách quan của nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò khai thác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Địa chất dầu khí là ngành khoa học tập trung trí tuệ của con người. Để khoan một mũi khoan 5-7km sâu ở dưới đáy đại dương và các công việc khác, các chuyên gia đã phải áp dụng tất cả những thành tựu tiến bộ nhất của nhân loại. Công việc đòi hỏi những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhưng ngành Dầu khí của chúng ta đi sau rất nhiều nước trên thế giới và khu vực. Vì thế, các cán bộ, công nhiên viên trong ngành phải học hỏi vươn lên để áp dụng một cách sáng tạo các thành tựu khoa học trong tất cả mọi công việc.
Về chủ quan, người Việt Nam nói chung và cán bộ ngành Dầu khí nói riêng rất thông minh. Họ luôn tìm tòi cải tiến và áp dụng những tri thức của thế giới một cách sáng tạo. Thêm nữa, cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí đều có học thức cao, họ được học ở các ngôi trường tiên tiến trong nước và trên thế giới. Vì thế họ luôn làm việc với tinh thần đổi mới, sáng tạo công nghệ để đạt được thành quả cao nhất. Trên thực tế chúng ta đã có thành quả lao động sáng kiến ở khắp mọi nơi. Những dự án, nhà máy, phòng thí nhiệm, công trường, viện nghiên cứu… có ở khắp các tổng công ty trong Tập đoàn.
PV: Ông cho rằng đây là công tác tất yếu trong ngành Dầu khí. Vậy Công đoàn ngành đã làm gì để công tác này đi đúng vào thực chất, trở thành khẩu hiệu trong đời sống hàng ngày của mọi cán bộ, công nhân viên mà không mang tính phong trào?
Chủ tịch CĐ Hà Duy Dĩnh: Có thể nói, công đoàn đã tham gia và nhận thức rất rõ ràng tầm quan trọng của phong trào lao động giỏi, phong trào lao động sáng tạo trong ngành Dầu khí. Từ khi thành lập tới ngày hôm nay, công đoàn ngành liên tục phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chuyên môn để phát động các phong trào và thu được kết quả đáng khích lệ, đáng tự hào.
Đối với công đoàn, việc triển khai các nhiệm vụ chính trị thúc đẩy năng suất kinh doanh đạt hiệu quả, có chất lượng, là đã làm tốt chức năng quan trọng hàng đầu trong 3 chức năng của tổ chức công đoàn. Chăm lo quyền lợi hợp pháp của người lao động khi và chỉ khi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, có lợi nhuận cao, có năng suất lao động tốt. Chính vì vậy, Công đoàn đã tập trung công sức và trí tuệ để làm tốt chức năng này bằng rất nhiều phong trào, trong đó có phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Những phong trào này đã góp phần để ngành Dầu khí có một diện mạo đáng tự hào như ngày hôm nay với doanh thu hàng năm chiếm tới 23% GDP của cả nước. Mỗi năm ngành Dầu khí trích nộp ngân sách Nhà nước chiếm tới 30%. Phong trào lao động sáng tạo này đã có ngay từ những ngày đầu thành lập. Mà những người đáng tôn vinh trước hết là các thế hệ lãnh đạo của Tập đoàn từ Tổng cục Dầu khí đến Tổng Công ty Dầu khí và đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay.
PV: Xin ông cho biết các thế hệ lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí đã có những thành quả như thế nào trong lĩnh vực lao động sáng tạo?
Chủ tịch CĐ Hà Duy Dĩnh: Chính các đồng chí lãnh đạo các cấp đã lao động sáng tạo ở rất nhiều lĩnh vực nhưng nét nổi bật nhất là họ đã rất sáng tạo trong việc tạo ra mô hình tổ chức. Mà sức mạnh của một doanh nghiệp, một tập thể và kể cả một đất nước thể hiện ở công tác tổ chức. Nói như Lê-nin: “Cho tôi một tổ chức tôi sẽ đảo lộn nước Nga”. Tổ chức rất quan trọng, cho nên mỗi một thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo đã đề xuất để được thành lập các tổ chức phù hợp tương ứng với giai đoạn đó. Giai đoạn đầu mới thành lập chúng ta nặng về công tác quản lý nhà nước nên đã thành lập Tổng cục Dầu khí. Tiếp đến chuyển sang mô hình kinh doanh là Tổng Công ty Dầu khí. Sau đó thay đổi thành mô hình nhạy bén, năng động và hiệu quả hơn, đó là Tập đoàn Dầu khí. Yếu tố quan trọng nữa là yếu tố con người mà công đầu cũng thuộc về các đồng chí lãnh đạo. Bởi họ đã có những trăn trở, sáng tạo ngay từ việc tuyển lựa nhân lực, vật lực.
Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng danh hiệu Miss Oil 2011- Hoa khôi "Duyên dáng Dầu khí" 2011 cho Natalia Pogrebniak (Vietsovpetro). (ảnh: Mạnh Thắng)
PV: Ông có thể kể một vài ví dụ minh chứng cho nhận định này…
Chủ tịch CĐ Hà Duy Dĩnh: Bắt đầu bằng Đoàn địa chất 36 chưa đầy 200 người với cơ sở vật chất, máy móc thiết bị nghèo nàn, nhưng các cấp quản lý đã tìm kiếm mọi nguồn lực, từ sinh viên đến các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Thậm chí đã phải đưa cả Binh đoàn 318 ở bên quân đội sang lấp đầm lầy Sú Phẹt để làm cảng Dầu khí ở Vũng Tàu, tạo cơ sở để chúng ta bắt đầu triển khai tìm kiếm thăm dò và các công tác khác. Đặc biệt, phương thức hoạt động cũng rất sáng tạo. Thời kỳ đầu do chúng ta chưa có điều kiện về thiết bị, chưa có kinh phí, thậm chí nhân lực cũng chưa có đủ kinh nghiệm, trình độ để tự tiến hành tìm kiếm thăm dò khai thác. Lúc đó, lãnh đạo Tổng Công ty đã đưa ra một hình thức: hợp đồng chia sản phẩm dầu khí. Đây là một sáng kiến rất sáng tạo, được bạn bè trên thế giới đánh giá cao. Bản chất của hợp đồng đó chính là kêu gọi các nhà dầu khí lớn, có uy tín trên thế giới đưa máy móc thiết bị, kinh phí, con người vào thềm lục địa Việt Nam để tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí. Nếu như họ tìm thấy mỏ dầu hai bên sẽ ký tiếp một hợp đồng chia sản phẩm. Nếu họ không tìm thấy dầu ở Việt Nam họ phải chịu toàn bộ rủi ro.
Trong quá trình làm việc với họ, chúng ta học hỏi được rất nhiều, tiếp cận được khoa học tiên tiến, cách quản lý và mau chóng trưởng thành. Quá trình hợp tác đó giúp ta thu được thuế tài nguyên của họ, đưa lại nguồn lợi lớn cho quốc gia. Họ cũng cho Tổng Công ty hàng triệu USD để đào tạo đội ngũ cán bộ và giúp Việt Nam lập được bản đồ về dầu khí… trong thời điểm ta chưa có đủ nguồn lực và vật lực để làm được việc đó. Khi mà chúng ta nhận thấy đã trưởng thành, kinh tế được tạo lập ổn định, thì chúng ta đã chuyển sang giai đoạn mới liên doanh liên kết để cùng làm. Trong giai đoạn đó có một điển hình là Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô, gọi tắt là Vietsovpetro (thành lập năm 1981), là biểu tượng của sự hợp tác sáng tạo của các đồng chí lãnh đạo ngành Dầu khí Việt Nam với Tổng cục Dầu khí Liên Xô (nay là Liên bang Nga).
Một sáng tạo không thể không kể đến là chúng ta đã khoan được vào tầng móng của vỏ địa chất mà sau này gọi là mỏ Bạch Hổ. Ở đây chúng ta tìm được mỏ dầu không phải nằm trên vùng trầm tích, vùng mà tất cả các loại khoáng sản đều được hình thành. Phải nói thêm rằng, trên thế giới, dầu khí không bao giờ hình thành ở móng trái đất nhưng chúng ta đã khoan xuống móng của trái đất để rồi phát hiện ra một mỏ dầu với trữ lượng được coi là lớn của thế giới và là lớn nhất của Việt Nam. Có người đã nói một cách hình tượng rằng, với việc Việt Nam tìm kiếm ra được mỏ dầu ở móng của trái đất, các nhà khoa học trên thế giới phải viết lại cuốn sách về nguồn gốc hình thành dầu mỏ.
Sự lao động sáng tạo còn thể hiện rõ nét ở việc từ năm 1997 trở lại đây, nhờ tư duy sáng tạo của các đồng chí lãnh đạo, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã làm được hàng trăm cây số đường ống chạy dưới đáy biển, đưa toàn bộ khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ và sau đó là các mỏ khí Nam Côn Sơn… vào nhà máy chế biến ở Dinh Cố, Vũng Tàu để chế biến khí. Chúng ta còn biến nguồn khí đó thành đạm Phú Mỹ và gần đây lại xây dựng thành công nhà máy đạm rất lớn ở Cà Mau. Việc làm đó không chỉ có ý nghĩa cho ngành Dầu khí mà còn có ý nghĩa cho đất nước vì đã góp phần cho ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lượng thực cho quốc gia. Cũng từ nguồn khí này, Tập đoàn Dầu khí đã xây dựng thành công Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và tiếp đến là Nhà máy điện Lương Trạch 1, Lương Trạch 2… để hình thành một ngành điện lực dầu khí, cụ thể là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Từ việc bán nguồn dầu thô cho các nước trên thế giới, nay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã quyết tâm xây dựng để trở thành một ngành khép kín từ việc khai thác thăm dò, vận chuyển tàng trữ, rồi đến chế biến dầu khí… Chúng ta đã xây dựng rất thành công nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên ở Dung Quất và từ đó, nguồn dầu thô khai thác đã được nhà máy chế biến thành xăng máy bay, ôtô, cho tới các loại xăng dầu khác… phục vụ cho đất nước. Chúng ta đã chủ động cho việc lo toan về nhiên liệu không phụ thuộc vào thế giới. Đây cũng là một bài toán chiến lược thuộc về lao động trí tuệ, thông minh và sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo cũng như của đội ngũ kỹ sư và cán bộ, công nhân viên của ngành Dầu khí để thực hiện thắng lợi những chiến lược đó.
Công nhân Vietsovpetro làm việc trên giàn khoan
PV: Có thể thấy, người lao động các thế hệ có vai trò rất tích cực trong công tác lao động sáng tạo. Vậy công đoàn cơ sở đã làm gì để khích lệ người lao động tham gia phong trào sáng kiến - sáng chế, thưa ông?
Chủ tịch CĐ Hà Duy Dĩnh: Các công đoàn cơ sở chính là nơi tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Công đoàn phối hợp với chuyên môn để thành lập được hội đồng xét sáng kiến, sáng chế, xét các tiêu chí lao động giỏi… cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên của đơn vị mình. Hàng năm, các hội đồng đó hoạt động rất ăn ý để tìm ra những cán bộ, công nhân viên giỏi, có được sáng kiến, sáng chế hay. Để làm được việc này, hàng ngày cán bộ công đoàn phải động viên, khích lệ mọi người lao động không chỉ với lòng nhiệt tình, hăng hái, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, công đoàn luôn luôn đặt ra mục tiêu cho cán bộ nhân viên là lao động phải có năng suất chất lượng thật tốt. Và để đạt được năng suất chất lượng tốt người lao động phải luôn luôn suy nghĩ sáng tạo, tìm cách làm đạt được hiệu quả cao.
Công đoàn cơ sở có vai trò ý nghĩa rất then chốt, quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ hiệu quả đó nảy ra một loạt các sáng kiến mà người lao động có thể nghĩ ra được, để có năng suất chất lượng cao nhất. Hằng năm, công đoàn cơ sở trích ra một nguồn kinh phí khá lớn của đơn vị để khen thưởng các cán bộ, đoàn viên có nhiều sáng kiến, sáng tạo.
PV: Trong lao động sáng tạo, việc giữ được nhiệt huyết rất quan trọng. Và theo một số cá nhân điển hình trong công tác sáng kiến sáng chế của toàn ngành thì nhiệt huyết có thể có được từ điều kiện vật chất, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc, sự trọng dụng và hiểu đúng người tài. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?
Chủ tịch CĐ Hà Duy Dĩnh: Câu hỏi này rất đúng, bởi vì, con người nếu chỉ có nhiệt huyết chưa hẳn đã sáng tạo được, cái nhiệt huyết đó nhất định nó phải nằm trong một môi trường có điều kiện. Môi trường có thể sáng tạo được phải có đầy đủ cơ sở vật chất để người lao động yên tâm sáng tạo. Đặc biệt, môi trường đó phải được tổ chức khích lệ và phải tạo ra được phong trào. Chỉ có vậy, người lao động mới hăng hái suy ngẫm để tạo ra một quy trình hoạt động thu gọn nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Môi trường đó phải có một tổ chức phát động, công nhận. Nếu vẫn ở trong một môi trường thực hiện âm thầm thì chỉ có rất ít người gọi là quá hăng say về nhiệt huyết, hăng say về công việc mà họ có thể đạt được, nhưng cái đạt được đó lại không có ai công nhận thì có thể đi vào lãng quên.
Tôi nhận thấy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một môi trường rất thuận lợi cho tất cả lao động thể hiện được nhiệt huyết và biến nó trở thành hiện thực sinh động hàng ngày. Trên thực tế, chúng ta đã làm được điều đó, từ việc phát động có tổ chức, đảm bảo điều kiện vật chất cho anh em phát huy khả năng sáng tạo của bản thân…
PV: Xin cảm ơn ông!
Chúng tôi nhận thấy phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo là một phong trào cần đẩy mạnh, vì nó rất phù hợp với ngành Dầu khí, là ngành vừa phải tiếp thu khoa học tiên tiến của thế giới, đồng thời phải áp dụng được khoa học đó vào ngay trong từng công việc của mình.
Với tinh thần đó, lần này, Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Toàn ngành có gần 500 đoàn viên công đoàn được công nhận là lao động giỏi, lao động sáng tạo. Tại đây công đoàn ngành Dầu khí sẽ tôn vinh tất cả các đoàn viên công đoàn đó, với hy vọng không chỉ đánh giá tôn vinh những sáng tạo, kết quả hoạt động của họ mà quan trọng hơn nữa là tiếp tục đẩy mạnh phong trào này trong thời gian tới.
Linh Chi