Tin tức - Sự kiện

Tin thị trường

PSD đồng hành trên con đường mới cùng Microsoft ( Theo Petrotimes)

25/10/2013 12:00:00 AM
 Nhân việc Microsoft quyết định chọn Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD) làm đối tác tại Việt Nam, Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam.
Chân dung Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam
PV: Lý do Microsoft đã chọn ông để đảm nhận chức Tổng giám đốc? Trong suốt hơn 1 năm qua, Microsoft Việt Nam đã thay đổi như thế nào?
Ông Vũ Minh Trí: Từ nhiều năm trước, Microsoft đã nhận ra tiềm năng phát triển rất lớn của Việt Nam. Tuy vậy, hoạt động của Microsoft tại thị trường cho đến nay chưa như kỳ vọng. Và đây cũng là lý do Microsoft bổ nhiệm lãnh đạo mới tại Việt Nam.
Mục tiêu lớn nhất của tôi khi bắt đầu công việc ở Microsoft Việt Nam chính là xây dựng, đào tạo phát triển con người. Từ đó tập hợp một đội ngũ có năng lực nhằm triển khai những công nghệ, giải pháp mới nhất tại thị trường Việt Nam.
Trong suốt 12 tháng qua, chúng tôi đã nỗ lực trong việc xây dựng đội ngũ bên trong cũng như hệ thống các đối tác và nhà cung cấp dịch vụ. Từ đó, Microsoft có thể tiếp cận gần hơn với khách hàng, đưa ra giải pháp và công nghệ giúp giải quyết các khó khăn mà khách hàng gặp phải.
Trong công việc kinh doanh, Tập đoàn Microsoft nói chung và Microsoft Việt Nam nói riêng đang có những chuyển đổi. Các phần mềm cũng được cung cấp theo một hướng mới. Nếu trước đây, doanh nghiệp và người sử dụng phải trả một khoản tiền lớn ngay từ đầu để sở hữu bộ phần mềm Microsoft Office thì bây giờ mọi chuyện đã thay đổi. Một số máy tính cài đặt sẵn hệ điều hành Windows, tiêu biểu là Windows 8 và các phiên bản sau này, đã được tích hợp sẵn bộ ứng dụng Microsoft Office cơ bản. Mặt khác, người dùng có thể “thuê” phần mềm nếu có nhu cầu. Đây là phương pháp giúp doanh nghiệp được sử dụng những phiên bản mới nhất với chi phí sử dụng được tính định kỳ... Chi phí sử dụng phần mềm cho một chiếc máy tính, theo cách này, có thể giảm từ đơn vị hàng triệu xuống chỉ còn ở mức vài chục ngàn đồng. Điều này cũng thể hiện cam kết của Microsoft: đưa dịch vụ tốt nhất đến cho khách hàng, đồng thời khuyến khích sử dụng các dịch vụ, phần mềm một cách hợp pháp với giá thành hợp lý. 
Microsoft cũng có dịch vụ giúp doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, cung cấp một loạt các dịch vụ trọn gói cho lĩnh vực này. Khi triển khai dịch vụ của Microsoft, doanh nghiệp không chỉ tiếp cận công nghệ thông tin đồng bộ với chi phí hợp lý, mà còn được hỗ trợ quản lý bởi những chuyên gia giàu kinh nghiệm. 
PV: Microsoft xuất hiện chính thức tại Việt Nam đến nay đã hơn 15 năm. Vậy ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Microsoft trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam?
Ông Vũ Minh Trí: Hơn 15 năm qua, nền kinh tế và xã hội Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong suốt quá trình đó, công nghệ thông tin đã khẳng định vai trò đóng góp vô cùng quan trọng. Xét một cách toàn diện, có thể chia những đóng góp của Microsoft tại Việt Nam thành 3 lĩnh vực chính:
Trước hết, Microsoft đã đóng góp tạo ra một môi trường giúp các doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam thực hiện được những kế hoạch và ước mơ của mình. 
Microsoft cũng triển khai chương trình hỗ trợ sinh viên công nghệ thông tin trên khắp cả nước. Microsoft đã phối hợp cùng các địa phương và trường đại học để trang bị phòng lab, trung tâm sáng tạo dành cho sinh viên, cho các kỹ sư phần mềm... cung cấp trang thiết bị, phầm mềm cũng như cung cấp chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí. Hơn 76.000 sinh viên Việt Nam đã được tham gia vào chương trình này. Microsoft cũng đã hỗ trợ cho hơn 66.000 giáo viên trên toàn quốc áp dụng thành công công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Ngoài ra, Microsoft Việt Nam cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận, gián tiếp đóng góp cho xã hội qua những tổ chức này cũng là một trong những hoạt động ưu tiên của Microsoft Việt Nam.
Ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam trao chứng chỉ nhà phân phối của Microsoft tại thị trường Việt Nam và Lào cho Giám đốc điều hành PSD Huỳnh Văn Thi
PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng phát triển của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam trong tương lai và Microsoft có thể đóng góp được gì cho sự phát triển này?
Ông Vũ Minh Trí: Xu thế công nghệ vẫn sẽ tiếp tục thay đổi, đặc biệt là các nền tảng cơ bản. Thời đại đầu tiên với những chiếc máy tính vô cùng cồng kềnh và đắt tiền giờ đã được chuyển đổi thành xu thế di động và điện toán đám mây. Tiên phong là các thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin hoàn toàn có khả năng “đi tắt đón đầu”, và đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Chính Microsoft đã tự thay đổi mình nhằm phát triển, thay vì đơn thuần bán các phần mềm cho máy tính để bàn, máy chủ, hay thiết bị di động thì bây giờ Microsoft đã bắt đầu cung cấp cả thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin... 
Cá nhân tôi cho rằng, định hướng của Nhà nước đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tri thức, là nước phát triển về công nghệ thông tin vào năm 2020 là đúng đắn và cần thiết. Đây là định hướng mà nhiều quốc gia vẫn chưa xác định được. Việc chuyển mình trở thành nền kinh tế tri thức là tiền đề, ảnh hưởng trực tiếp tới các chính sách về đào tạo con người. Theo những định hướng đó, Microsoft Việt Nam cũng đề ra những hướng phát triển trong tương lai và suốt những năm tiếp, có thể quy lại thành 3 điểm chính.
Thứ nhất, hỗ trợ Nhà nước và các doanh nghiệp lớn xây dựng hạ tầng về công nghệ thông tin, đáp ứng được các xu thế mới của thế giới. Petrovietnam là ví dụ tiêu biểu. Là doanh nghiệp lớn, hoạt động ở phạm vi toàn thế giới thì cần phải có một hạ tầng công nghệ thông tin tốt để hỗ trợ tối đa trong sản xuất kinh doanh. Trong thực tế, Petronas của Malaysia đã cùng Microsoft hợp tác triển khai một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và toàn diện ở tập đoàn khổng lồ này. Xét thấy đây là mô hình phù hợp, Microsoft đã tư vấn và đưa những kinh nghiệm quý báu về công nghệ thông tin trong lĩnh vực dầu khí nói chung cùng Petronas, Malaysia chia sẻ với Petrovietnam. Tất cả vì mục tiêu lớn của Petrovietnam là thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm với vị thế một tập đoàn kinh tế lớn. Hy vọng Microsoft sẽ có sự hợp tác sâu rộng hơn nữa với Petrovietnam ngoài các sự hợp tác riêng lẻ cùng PVEP, PVOil, PVGas v.v...
Thứ hai, Microsoft tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Đây là một lực lượng quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước. 
Lĩnh vực thứ 3 Microsoft đã và đang tập trung phát triển đó là nguồn nhân lực. Đó là các chương trình hỗ trợ giáo viên, sinh viên và học sinh nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin - một yếu tố quan trọng để giúp thế hệ tương lai trở thành những công dân toàn cầu. 
Cá nhân tôi, với kinh nghiệm thu được trên cương vị lãnh đạo tại các công ty công nghệ Việt Nam, tôi mong muốn được đóng góp sức lực của mình để dẫn dắt Microsoft Việt Nam tiếp tục tiến xa hơn nữa trên những thành tựu đã đạt được, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin thông qua các giải pháp phần mềm toàn diện, đồng thời luôn đảm bảo được lợi ích của người sử dụng, các doanh nghiệp, cũng như cộng đồng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
PV: Ông có thể cho biết lý do Microsoft đã chọn PSD làm nhà phân phối các phần mềm và giải pháp của mình?
Ông Vũ Minh Trí: Trước hết, Microsoft đang nỗ lực tối đa để cải thiện và phát triển hệ thống các đối tác, các nhà phân phối, nhằm đem sản phẩm và dịch vụ đến tận tay người sử dụng. Hệ thống PSD (công ty thành viên của Petrosetco) với ưu điểm trải rộng, sẽ là cầu nối tiếp cận Microsoft với khách hàng trên khắp các tỉnh thành, chứ không chỉ dừng ở các thành phố lớn như trước đây. 
PSD có đội ngũ nhân viên trẻ, nhiệt tình và không ngại khó khăn. Đây sẽ là đội ngũ sẵn sàng chấp nhận thử thách để đưa PSD phát triển hơn nữa. 
Cộng tác với ban lãnh đạo của Tổng Công ty Petrosetco, chúng tôi nhận ra đây là ban lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược lâu dài và đúng đắn. Microsoft, Petrosetco và PSD đều khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng các lĩnh vực hợp tác, không chỉ dừng lại ở việc phân phối đơn thuần. Đây cũng là chiến lược của Microsoft, chuyển đổi sang lĩnh vực cung cấp các thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin. Chiến lược này đòi hỏi các nhà phân phối phải nâng cao khả năng và tìm ra lợi nhuận từ dịch vụ chứ không chỉ đơn giản là phân phối đơn thuần. Ban lãnh đạo Petrosetco và PSD đã định hướng rõ và quyết định chuyển mình để đồng hành trên “con đường mới” này cùng Microsoft.
Microsoft đã quyết định lựa chọn PSD trở thành đối tác tại Việt Nam nhờ 3 yếu tố này.
Ngoài ra, điểm nhấn ở đây là PSD và Microsoft đều chung mong muốn mở rộng phát triển thị trường, hướng đến tương lai một cách bền vững. Sẽ không phù hợp khi đưa ra một con số đánh giá sự hợp tác này, bởi các yếu tố cam kết liên quan đến thông tin kinh doanh. Tuy nhiên, khi Microsoft đặt ra mục tiêu cho PSD, đội ngũ của PSD đã tự tin rằng sẽ vượt xa được mục tiêu đó. Ví dụ nhỏ đã cho thấy rằng, PSD sở hữu một đội ngũ rất năng động và tràn đầy khát vọng. 
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng sử dụng phần mềm “lậu” hiện nay ở Việt Nam? Có một thực trạng là các nhà phân phối sản phẩm công nghệ thông tin đã vì mục tiêu lợi nhuận mà không chú trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng, ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Ông Vũ Minh Trí: Theo tôi đó là sự lựa chọn của các nhà phân phối, nhằm giảm giá thành. Việc còn lại là do người sử dụng quyết định. Tuy nhiên, Microsoft đang rất tích cực nhằm mang đến các sản phẩm có bản quyền cho người sử dụng thông qua các nhà phân phối. Nếu cung cấp các sản phẩm chưa có phần mềm bản quyền đến tay người dùng cuối, đồng nghĩa,  đẩy người đó đến việc lựa chọn phần mềm lậu. Việc này gây thiệt hại cho chính người sử dụng bởi phầm mềm lậu có rất nhiều hạn chế và rủi ro. Theo tôi biết, nhiều nhà phân phối vẫn đang áp dụng cách bán hàng này - làm sao để giá thành rẻ nhất và lợi nhuận cao nhất - nhưng đây là tầm nhìn và mục đích kinh doanh ngắn hạn, giá thành tính theo cách này không đầy đủ. Về tổng thể, chi phí bao gồm cả giá thành cho vận hành và bảo trì. Nếu tính giá thành tổng hợp, thì khi sử dụng phần mềm giả, phần mềm crack, nếu gặp trục trặc, chi phí để sửa chữa, bảo trì sẽ cao hơn rất nhiều so với phần mềm chính hãng. Chúng tôi khuyến khích, chủ động hợp tác cùng các nhà phân phối nhằm gia tăng tỷ lệ máy đã cài sẵn hệ điều hành có bản quyền và xa hơn sẽ là bộ Microsoft Office. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Nhiều năm qua, các công ty phần mềm cả trong và ngoài nước đều là nạn nhân của tình trạng sử dụng phần mềm không chính hãng. Tôi tin rằng, tình trạng này sẽ sớm được khắc phục, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và đi theo luật lệ quốc tế nghiêm ngặt, bao gồm luật sở hữu trí tuệ. Trong khả năng của mình, Microsoft đang cố gắng hợp tác với các nhà sản xuất (OEM), sau đó là nhà phân phối và bán lẻ nhằm hạn chế tối đa nạn sao chép bất hợp pháp. 
Về luật pháp, nhằm giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán cũng như thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO và sắp tới là Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Microsoft đã cùng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam gia tăng chia sẻ, cung cấp thông tin và các quy định của các quốc gia trên toàn cầu. Microsoft cũng đang hợp tác cùng các cơ quan nhà nước giúp trang bị phần mềm chính hãng theo một lộ trình thích hợp. 
Đây là tiền đề quan trọng cho thấy Việt Nam sẵn sàng hợp tác khi gia nhập WTO và xa hơn là hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP. 
PV: Xin chân thành cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Bảo Sơn (thực hiện)
 
Chia sẻ:    

Tin tức khác