Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước, là một trong những trụ cột và đóng góp lớn vào thu nhập của nền kinh tế; giá trị tài sản chiếm khoảng 27%, vốn Nhà nước của PVN chiếm khoảng 37% trong khối tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ngoài ra, PVN còn là công cụ điều tiết vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
Ngày 24/5/2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) tổ chức Hội thảo “Công tác tái cấu trúc doanh nghiệp và phổ biến Bộ chỉ số PVN Index”. Tại hội thảo, ông Khiếu Hữu Bộ – Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương, thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Đề án tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã nêu được khái quát chính về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đã phân tích nguyên nhân và xác định mục tiêu, quan điểm chiến lược phát triển Tập đoàn trong giai đoạn đến năm 2015, có định hướng đến năm 2025. Phấn đấu trong 5 năm tới là tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%. “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những tập đoàn thuộc Bộ Công Thương đi đầu trong sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc. Trong những năm qua, công tác này đã mang lại những hiệu quả to lớn và là tập đoàn có số lượng doanh nghiệp niêm yết nhiều nhất của Bộ Công Thương” – ông Khiếu Hữu Độ nhận định.
Một góc Trung tâm điều khiển Tổ hợp hoá dầu Dung Quất
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương thống nhất với PVN về quan điểm chỉ đạo của tái cấu trúc là xây dựng, phát triển, đổi mới mô hình Tập đoàn phải quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. PVN tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc – hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; trong đó lấy thăm dò khai thác dầu khí làm nòng cốt. Nhà nước nắm giữ 100% vốn đối với lĩnh vực chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
PVN nắm giữ tỉ lệ chi phối ở các lĩnh vực công nghiệp khí, lọc hóa dầu, dịch vụ kỹ thuật dầu khí cao cấp. Bộ Công Thương chỉ đạo PVN xem xét phương án sắp xếp lại 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng và Công ty TNHH MTV Điều hành thăm dò khai thác Dầu khí trong nước theo hình thức hợp đồng chia sản phẩm (PSC). Đối với lĩnh vực công nghiệp điện, PVN cần định hướng đa dạng hóa sở hữu Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) để đảm bảo phù hợp với lộ trình phát điện cạnh tranh theo quy định và cần xem xét thêm việc định hướng để PV Power tham gia vào các lĩnh vực truyền tải điện.
Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến các sản phẩm dầu, khí; PVN sắp xếp việc thu gọn đầu mối kinh doanh xăng dầu từ Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (Petec). PVN cũng sẽ có lộ trình cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn; sắp xếp các nhà máy nhiên liệu sinh học và chế biến condensate thành một đầu mối và thành lập tổng công ty để thống nhất quản lý, sản xuất trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Và PVN tổ chức lại các tổng công ty và công ty sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân đạm.
Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí cũng được đại diện Bộ Công Thương đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo và lưu ý PVN cần đào tạo có mục đích và trọng tâm cụ thể, theo yêu cầu thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh. Ba cơ sở đào tạo của Tập đoàn gồm Trường đại học Dầu khí, Viện Dầu khí và Trường cao đẳng Nghề Dầu khí là những trung tâm đào tạo nhân lực cho toàn ngành Dầu khí với mục tiêu là đào tạo sinh viên, công nhân kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, quản lý có chất lượng đạt chuẩn quốc tế. PVN cũng cần phát huy nội lực trong công tác đào tạo, phát triển nhân lực, hợp tác sâu rộng với các trường đại học ở Việt Nam trong nghiên cứu khoa học; có cơ chế khuyến khích người lao động, cán bộ giỏi làm việc cho Tập đoàn.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của PVN trong quá trình tái cấu trúc, Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Tổ chức sắp xếp lại, phân công chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn để tập trung vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính, hạn chế cạnh tranh nội bộ. Đặc biệt, PVN rà soát lại vấn đề quản trị doanh nghiệp nhất là quản trị nội bộ từ công ty mẹ đến từng đơn vị thành viên.
Về mặt tài chính, PVN thực hiện thoái vốn theo lộ trình, cụ thể với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản. Mặt khác, Tập đoàn tiếp tục đưa các đơn vị thành viên niêm yết trên sàn chứng khoán; xây dựng và phổ biến bộ chỉ số PVN Index; nghiên cứu, xem xét đưa một số doanh nghiêp hàng đầu như Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) lên sàn giao dịch chứng khoán khu vực hoặc quốc tế để tăng khả năng huy động vốn.
Trong việc phát triển nhiên liệu sinh học, ông Khiếu Hữu Bộ cho rằng, PVN cần đề xuất với Bộ Công Thương và Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất quy mô công nghiệp và sử dụng nhiên liệu sinh học. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng và lợi ích to lớn của nhiên liệu sinh học. Hiện tại, 3 nhà máy nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước đã và đang hoàn thiện, dự kiến cuối năm 2012 sẽ cho ra những sản phẩm đầu tiên. Tổng sản lượng 3 nhà máy là 300 nghìn tấn. Với mức độ sử dụng xăng E5 hiện nay, PVN đang tính khả năng xuất khẩu phần lớn ethanol; phần còn lại sẽ pha vào xăng được sản xuất từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xăng nhập khẩu để thành xăng E5 đưa ra thị trường tiêu thụ.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn – Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết: Đến cuối năm 2010, tổng vốn chủ sở hữu của các DNNN là trên 700 nghìn tỉ đồng, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 653 nghìn tỉ đồng.
Hiện nay, cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữ 100% vốn.
Chính phủ đang nghiên cứu cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp để sau năm 2015, cả nước còn 44 tập đoàn, tổng công ty có vốn Nhà nước. Đến năm 2020, còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích.
Đức Chính