(PetroTimes) - Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ những giá trị văn hóa được xây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trở thành các giá trị cốt lõi, các quan niệm, các quy ước ứng xử, các chuẩn mực đạo đức và cao hơn là truyền thống văn hóa quí báu riêng có của từng doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, suy nghĩ và hành vi của các thành viên trong doanh nghiệp trong việc thúc đẩy theo đuổi và thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp nào trong thời đại hiện nay, trở thành tài sản phi vật thể của mỗi doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã cùng với Chuyên môn triển khai mạnh mẽ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bộ đề án “Văn hóa Doanh nghiệp Petrovietnam” do Tập đoàn ban hành năm 2008 đã thực sự là kim chỉ nam để các đơn vị trong Ngành có cơ sở triển khai. Đến năm 2011, bộ đề án “Văn hóa Doanh nghiệp Petrovietnam” tiếp tục được hoàn thiện và triển khai mạnh mẽ kịp thời đáp ứng những đòi hỏi phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí. “Văn hóa Doanh nghiệp Petrovietnam” chính là Văn hóa Dầu khí Việt Nam. Công đoàn Dầu khí Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, vận động và tích cực triển khai thực hiện Văn hóa Dầu khí đến các đơn vị trong toàn Ngành. Việc triển khai Văn hóa Dầu khí luôn được gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đã thu được những thành công rất đáng tự hào, minh chứng là sự phát triển nhanh, bền vững của Tập đoàn Dầu khí và sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ CNVCLĐ ngành Dầu khí Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để vươn lên trở thành Ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng hàng đầu đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lãnh đạo Tập đoàn cùng hô vang khẩu hiệu "đoàn kết" tại lễ khai mạc Tuần lễ văn hóa Dầu khí 2011
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công đoàn Dầu khí tặng cờ, hoa cho các đơn vị tại lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ VI 2013
Tập đoàn Dầu khí đã trải qua 38 năm hình thành và phát triển, là Tập đoàn kinh tế kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam đóng góp rất lớn vào doanh thu và ngân sách quốc gia. Hàng năm, Tập đoàn đóng góp gần 25% GDP và 25-30% tổng thu ngân sách quốc gia. Hiện nay, Tập đoàn có 30 đơn vị/Tổng công ty thành viên trực thuộc hoạt động trong 5 lĩnh vực cốt lõi như thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp điện, khí, hóa dầu và dịch vụ kỹ thuật cao với hơn 60 ngàn CBCNV và người lao động. Văn hóa Petrovietnam đã được hình thành cùng với sự lớn mạnh của ngành Dầu khí trong suốt 38 năm qua (3/9/1975 - 3/9/2013), chặng đường mà ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua đầy gian khó nhưng cũng rất vinh quang, mang đậm chất Dầu khí Việt Nam. Trong suốt 38 năm xây dựng và phát triển, văn hóa Dầu khí đã lặng lẽ ngầm chảy, tích tụ bồi đắp các giá trị tuy nhiên để định hình dòng chảy đó và nâng lên một tầm cao mới, Công đoàn và Chuyên môn đã phối hợp xây dựng đề án văn hóa dầu khí, đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện triển khai đề án đến các đơn vị trong toàn ngành; trong đó cao điểm là Tuần lễ Văn hóa Dầu khí hàng năm (được bắt đầu từ ngày 28/8 đến ngày 3/9). Tuần lễ văn hóa dầu khí lần đầu tiên tổ chức năm 2008 và được phát động sâu rộng lan tỏa tới các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Công đoàn Dầu khí đã tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa lần thứ I, đến lần thứ V với nhiều phong trào sôi nổi phong phú như các hoạt động kỷ niệm chào mừng ở Tập đoàn và các đơn vị, các hoạt động thể thao, văn hóa, đại hội thể thao toàn ngành, đêm văn hóa dầu khí, đêm nghệ thuật chào mừng, các hoạt động từ thiện an sinh xã hội, các chương trình về nguồn cho CBCNV thấm đậm văn hóa dầu khí… Các chương trình đã khắc họa được truyền thống ngành Dầu khí, tinh thần và ý chí dầu khí, tình yêu, sự gắn bó và lòng tự hào về ngành Dầu khí của đội ngũ người lao động.
Vậy văn hóa Dầu khí được xây dựng như thế nào? Văn hóa Dầu khí được xây dựng một cách khoa học trên cơ sở đề án “Văn hóa Doanh nghiệp Petrovietnam” với nội dung khá hoàn chỉnh bao gồm những giá trị cốt lõi, sứ mệnh tầm nhìn, những quy ước văn hóa ứng xử, xử lý công việc, đạo đức nghề nghiệp được xem là chuẩn mực của ngành Dầu khí Việt Nam. Văn hóa Dầu khí là sự giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị bền vững, tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu, yêu cái chân thiện mỹ, yêu tính trung thực, chân thành, thủy chung…
Văn hóa Petrovietnam chính là như vậy, Văn hóa Dầu khí không chỉ là văn hóa doanh nghiệp của riêng một đơn vị mà là văn hóa đặc trưng cho ngành Dầu khí Việt Nam - Đóng vai trò định hướng cho các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn vận dụng phù hợp vào hoàn cảnh cụ thể tại mỗi đơn vị. Văn hóa Dầu khí lấy con người làm gốc, bởi sự thành bại của mỗi doanh nghiệp cũng đều do yếu tố con người. Văn hóa Petrovietnam lấy việc nâng cao tố chất toàn diện của con người làm trọng tâm để nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, làm cho quan niệm giá trị của doanh nghiệp thấm sâu vào các chế độ, chính sách, từng bước chấn hưng, phát triển doanh nghiệp. Văn hóa dầu khí còn là Tinh thần trách nhiệm, tấm lòng nhân ái chia sẻ với cộng đồng, xã hội đất nước. Điều đó đã trở thành nhận thức, tình cảm và hành động của đội ngũ người lao động dầu khí. CBCNV ngành Dầu khí hàng năm đóng góp từ 5-7 ngày lương lao động vào quĩ An sinh xã hội, quĩ Tương trợ Dầu khí của Tập đoàn để thực hiện các công tác an sinh xã hội như tương trợ CBCNV trong tập đoàn gặp khó khăn, trợ cấp cho những người có thu nhập thấp, quan tâm đến đời sống của những CBCNV đã nghỉ hưu, xây nhà nghĩa tình dầu khí cho CBCNV nghèo… Công tác an sinh xã hội với cộng đồng và xã hội, hàng năm CBCNV của tập đoàn đã đóng góp hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương nghèo, hỗ trợ xây dựng trường học, trạm xá, nhà văn hóa, triển khai các chương trình đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt thể hiện qua các năm 2009 đã hỗ trợ 900 tỉ đồng, năm 2010 hơn 700 tỉ đồng, năm 2011 gần 650 tỉ đồng, năm 2012 số tiền thực hiện an sinh xã hội là hơn 650 tỉ đồng.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh cùng với phong trào thi đua yêu nước được Công đoàn Dầu khí phát động mạnh mẽ trên nhiều công trình dự án trọng điểm của ngành và của cả nước, đã xuất hiện hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiếp thu làm chủ công nghệ - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Họ là hiện thân của phong trào thi đua yêu nước, đại diện cho lớp người lao động Dầu khí mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết vươn lên vì sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí, sẵn sàng cống hiến, biết chia sẻ với những mảnh đời không may mắn, với những khó khăn của cộng đồng. Bằng sự lao động cần cù, sáng tạo, với niềm khao khát cháy bỏng, tìm kiếm và khai thác nhiều dầu lửa cho đất nước.
Hội diễn văn nghệ "Tiếng hát trên hành trình tìm lửa 2013" của PVEP
Thế hệ những con người Dầu khí qua các thời kỳ trong 38 năm qua, trong hiện tại và tương lai sẽ tạo nên giá trị văn hóa mang đậm bản sắc Petrovietnam. Bên cạnh yếu tố con người, Công đoàn và chuyên môn đã hết sức chú ý đến xây dựng thương hiệu Petrovietnam. Thương hiệu được thể hiện qua hệ thống phong cách về thái độ và hành vi ứng xử, xử lý công việc hàng ngày cho mỗi thành viên và bộ phận, mặt khác còn xây dựng được một hệ thống nề nếp tài chính doanh nghiệp, hướng về cần, kiệm, công bằng, công khai, chia sẻ trách nhiệm trong tập thể vì sự thịnh vượng chung của doanh nghiệp. Tất cả các yếu tố trên tạo nên niềm tự hào ngọn lửa Petrovietnam.
Ngọn lửa Dầu khí được chuyển từ thế hệ này đến thế hệ khác tạo nên bản sắc của văn hóa Dầu khí, là giá trị quý giá nhất mà mỗi người Dầu khí luôn trân trọng, gìn giữ và phát triển. Giữ cho ngọn lửa Dầu khí luôn bừng sáng, luôn sưởi ấm con tim và nhiệt huyết của các thế hệ người lao động dầu khí là đảm bảo cho sự trường tồn và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Bản sắc Văn hóa Dầu khí là:
-
Trí tuệ: Là điểm tựa của sự phát triển
-
Chuyên nghiệp: Là ổn định bền vững
-
Hiện đại và hội nhập: Là cơ hội để phát triển
-
Nghĩa tình: Là chất keo gắn kết
-
Truyền thống: Là sức mạnh vượt qua thách thức
-
Petrovietnam: Là mái ấm gia đình
Các giá trị của Văn hóa Petrovietnam mà đội ngũ CNVCLĐ ngành Dầu khí xây dựng:
-
Là Đoàn kết - Kỷ cương
-
Là Chất lượng - Hiệu quả
-
Là An toàn - Chắc chắn
-
Là Nhân ái - Trách nhiệm
-
Vì PVN phát triển bền vững
-
Vì Tổ quốc Việt Nam phồn vinh.
Để văn hóa Dầu khí đi vào cuộc sống, để doanh nghiệp thành một thực thể văn hóa, không phải cứ định ra vô số những quy tắc mà cốt yếu phải làm sao biến các quy tắc đó thành hơi thở cuộc sống, biến thành sức mạnh cạnh tranh và trường tồn của doanh nghiệp, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã luôn gắn các hoạt động tuyên truyền, vận động CNVCLĐ vào việc triển khai thực hiện Văn hóa Dầu khí, từ việc phát động các phong trào thi đua trên các công trình, dự án trọng điểm đến việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao đều gắn với việc tôn vinh các giá trị truyền thống của đội ngũ người lao động Dầu khí đó là sự đoàn kết kỷ cương, sự phối hợp, sẻ chia gắn bó trách nhiệm trong công việc, trong hoạt động công tác, đó là việc hướng về cội nguồn, đền đáp công ơn những thế hệ cách mạng và những lớp đàn anh đi trước, đó là tình nhân ái với cộng đồng, tự giác thực hiện công tác từ thiện, an sinh xã hội.
Mỗi một công việc đặt ra BCH Công đoàn Dầu khí Việt Nam đều chú ý đến đời sống vật chất, tinh thần, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động Dầu khí, làm sao cùng với chuyên môn xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, đời sống vật chất, tinh thần của CNVCLĐ được ngày một nâng cao, ngày một cải thiện và phải đảm bảo tính bền vững chắc chắn để các hoạt động của Công đoàn luôn gắn với hoạt động SXKD của Tập đoàn. Hàng năm, Công đoàn tổ chức tôn vinh nhiều tập thể cá nhân không những có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, công tác mà còn xuất sắc trong hoạt động công tác công đoàn với các danh hiệu: Đoàn viên Công đoàn Dầu khí tiêu biểu; Cán bộ Công đoàn Dầu khí tiêu biểu; Lãnh đạo tiêu biểu của tổ chức Công đoàn; Chuyên gia nước ngoài tiêu biểu có công đóng góp cho tổ chức Công đoàn Dầu khí. Đã có hàng ngàn người lao động, cán bộ kỹ sư được tôn vinh trong những năm qua, đó chính là sự động viên to lớn, tạo niềm hứng khởi trong việc xây dựng những nhân tố mới, những con người mới trong đời sống văn hóa Dầu khí.
Văn hóa Dầu khí được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ đến các đơn vị thành viên Tập đoàn, ở mỗi đơn vị đã hình thành nét văn hóa riêng của đơn vị vừa phát huy được giá trị văn hóa chung của Tập đoàn Dầu khí vừa xây dựng những nét văn hóa phù hợp với tính chất đặc thù hoạt động của doanh nghiệp. Sự nhận diện doanh nghiệp trong văn hóa doanh nghiệp là thương hiệu và nhãn hiệu. Xây dựng được thương hiệu chính là xác định chữ “tín” với khách hàng đó là điều hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp. Đã có rất nhiều thương hiệu của Dầu khí quen thuộc đối với chúng ta như: PVGas – Năng lượng cuộc sống; PVOil – Năng lượng sạch cho hành tinh xanh; PVI – Ngọn lửa của niềm tin; PVFCCo – Đạm Phú Mỹ cho mùa bội thu; PVEP – hành trình những người đi tìm lửa….và nhiều thương hiệu uy tín khác của các doanh nghiệp Ngành Dầu khí, tạo nên một hình ảnh sinh động, đa dạng về Văn hóa Dầu khí.
Nếu các đồng chí có dịp thăm quan các công trường, nhà máy của các đơn vị trong ngành Dầu khí, các đồng chí sẽ được chứng kiến sự lao động cần cù, trách nhiệm và tính kỷ luật cao. Trên giàn khoan, trong nhà máy, trên các phương tiện tàu thủy, ô tô liên quan đến dầu khí, một quy tắc nghiêm ngặt được thấm sâu vào mỗi người lao động đó là quy định phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, từ một ánh đèn palat chụp ảnh cũng phải được quy định chỗ nào mới được chụp ảnh ở trong nhà máy hay trên giàn khoan… khi đã trở thành văn hóa những quy định trên trở thành lẽ bình thường dễ hiểu. Vào các khu nhà ở của công nhân Dầu khí tại các khu vực: Cụm Khí điện đạm Cà Mau, Nhà máy đạm Phú Mỹ, Nhà máy điện Nhơn Trạch, khu tập thể công nhân Vietsovpetro hay khu nhà ở công nhân Nhà máy lọc dầu Dung Quất... ở đâu các đồng chí cũng sẽ được gặp những khu nhà khang trang sạch đẹp, với những căn hộ xinh xắn và những gia đình công nhân hạnh phúc, ấm cúng… những khu nhà văn hóa, thể thao, nhà trẻ, trường học hàng ngày luôn rộn ràng tấp lập sức sống tươi vui…tuy có nơi có lúc cơ sở vật chất chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển của ngành nhưng những cố gắng của tập thể lãnh đạo ngành Dầu khí cũng như lãnh đạo các đơn vị thành viên đã thể hiện một trong những nội dung quan trọng mà văn hóa Dầu khí hướng tới, đó là chú ý nâng cao tố chất toàn diện của con người dầu khí, tạo điều kiện tốt nhất để tái tạo sức lao động sáng tạo của đội ngũ CNVCLĐ Dầu khí.
Hội thi tìm hiểu quy ước Một PV Oil 2013
Đến nay mỗi thành viên của đại gia đình Petrovietnam đều thấu hiểu, trân trọng, gìn giữ những giá trị tinh túy nhất của văn hóa dầu khí, coi đó là lẽ sống, là kim chỉ nam cho mỗi hành động để người dầu khí luôn được nhận ra dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Để văn hóa dầu khí ngày càng phát triển, lãnh đạo các cấp Công đoàn Dầu khí và chuyên môn phải là những người tiên phong gương mẫu, phải thường xuyên tuyên truyền, vận động, giáo dục, quán triệt văn hóa dầu khí tới từng cá nhân và mỗi người lao động dầu khí phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác thực hiện, làm cho văn hóa dầu khí ngấm sâu, lan tỏa trong ngành Dầu khí và ở bất cứ nơi đâu có người dầu khí công tác, làm việc. Những người lao động dầu khí cho dù đó là công nhân ở các giàn khoan, các nhà máy chế biến dầu khí, cho đến các kỹ sư, giáo viên, chuyên gia…mỗi khi nhìn lên logo biểu trưng của ngành dầu khí ở bất kỳ nơi đâu, ai cũng cảm thấy trái tim rung động, những cảm xúc tự hào, trân trọng, trách nhiệm trào dâng, Chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó rõ hơn khi đứng trên giàn khoan giữa biển khơi mênh mông, hay trên giàn khoan ở vùng sa mạc Trung Đông hoặc ở các công trình trọng điểm quốc gia như cụm Khí điện đạm Cà mau hay Nhà máy lọc dầu Dung Quất… Đó chính là giá trị tinh thần rất quan trọng của ngành Dầu khí, tinh thần của văn hóa Petrovietnam.
Để tiếp tục xây dựng thành công văn hóa PVN cần phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, phổ biến văn hóa Dầu khí, động viên CBCNV lao động thực hiện văn hóa Dầu khí (VHDK), duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp, cũng như cần tập trung một số giải pháp như:
-
Công đoàn Dầu khí và các cấp chủ động tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện văn hóa Dầu khí với các đặc trưng bản sắc của Dầu khí, của Tập đoàn và các đơn vị.
-
Đưa các nội dung văn hóa Dầu khí và gắn xây dựng văn hóa lồng ghép vào các chương trình hoạt động, và các phong trào của Công đoàn các cấp.
-
Cần đổi mới hình thức tuyên truyền VHDK phải phong phú, đa dạng, thường xuyên, liên tục, mang hiệu quả cao như: tuyên truyền đến từng CBCNV qua trang web của tập đoàn và các đơn vị, phát hành các tờ rơi cô đọng các nội dung chính của VHDK đến từng CBCNV để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng…Tuyên truyền các tấm gương, các điển hình, các đơn vị thực hiện tốt, triển khai tốt, sáng tạo về VHDK.
-
Đề xuất các biện pháp bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của CBCNV trong xây dựng VHDK, bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ công đoàn về VHDN, để xây dựng nền tảng, phát huy tính tích cực chủ động tuyên truyền văn hóa Dầu khí.
-
Tiếp tục tổ chức tuần lễ văn hóa DK hàng năm với các hoạt động văn hóa phong phú, sôi động, tạo cao trào về văn hóa DK, điểm nhấn VHDK.
-
Tổ chức tôn vinh các cá nhân tập thể có nhiều sáng tạo, đóng góp trong xây dựng văn hóa của đơn vị
-
Xây dựng được chế tài và qui định thực hiện VHDK tại PVN và các đơn vị.
Với các giá trị bản sắc văn hóa Dầu khí được hình thành và hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, công đoàn Dầu khí đã phát huy tốt vai trò trong việc xây dựng và phát triển văn hóa dầu khí, làm cho văn hóa dầu khí được lan tỏa, thấm sâu vào mỗi người lao động dầu khí và trở thành một nền tảng quan trọng góp phần xây dựng Tập đoàn phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Nghiêm Thùy Lan
Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam